Gia đình anh Ngô Văn Vinh, ở xã Phú Văn (huyện biên giới Bù Gia Mập) trồng hơn 500 cây cao su đang trong giai đoạn thu hoạch. Theo anh Vinh, chi phí đầu tư cho vườn cao su trưởng thành của gia đình khoảng 10 triệu đồng/năm bao gồm cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong 5 năm gần đây, giá mủ cao su luôn ở mức thấp khiến nguồn thu thấp. Có những thời điểm giá mủ thương lái chỉ mua ở mức dưới 200 đồng/độ trong thời gian dài khiến nhà vườn không có lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu tư trong một năm.
Trong những năm gần đây, giá thu mua mủ cao su luôn ở mức thấp nên gia đình anh Vinh cũng như người dân ở đây có nguồn thu thấp. Tuy nhiên, đầu vụ khai thác năm nay giá mủ lên cao hơn so với mọi năm gần đây nên người trồng cao su rất phấn khởi.
Hơn 500 cây cao su của anh Vinh mỗi ngày cạo mủ bán gần 1 triệu đồng, tăng khoảng 50% so với thời điểm này năm trước. Với diện tích cây cao su đang cho thu hoạch hiện nay, gia đình thuê nhân công địa phương 1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ. Giá cả lên cao hơn so với năm trước, nhà nông có lợi nhuận sẽ thêm nguồn chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ cây trồng, năng suất ổn định, hạn chế sau bệnh gây hại - anh Vinh chia sẻ.
Còn hộ gia đình bà Thị Mai, ở xã Đức Hạnh có hơn 2 ha trồng cao su hơn 10 năm tuổi. Từ khi giá lên cao, đầu vụ gia đình thu về mỗi lần cạo hơn 2,4 triệu đồng. Bà Thị Mai cho biết, năm nay, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến tháng 5 khiến vụ mùa cạo cao su chậm hơn mọi năm. Do ảnh hưởng thời tiết bất thường, sản lượng mủ năm nay thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, bù lại giá cao nên bà con rất phấn khởi, nguồn thu cũng tăng lên chút đỉnh.
Ngoài bán mủ nước, giá thu mua mủ đông (mủ chén) từ 12.000 đồng/kg (niên vụ 2023-2-24) lên 20.000 đồng/kg. Theo đại diện điểm thu mua mủ cao su Quốc Sen tại xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập), trong những ngày qua, giá mủ tăng nên người trồng rất phấn khởi. Hiện nay, nhiều vườn cao su mới bắt đầu vào vụ nên sản lượng chưa nhiều. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài khiến sản lượng của các hộ mang ra bán cũng thấp hơn năm ngoái.
Ghi nhận vào sáng 10/6, giá mua tại các điểm thu mua, mủ đã nhích lên trên 400 đồng/độ được xem là cao nhất từ khi rớt giá. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập), địa phương có số hộ dân trồng cây cao su cũng khá nhiều. Trong những năm qua, do giá thấp nên đã có một số hộ chuyển đổi cao su sang cây ăn trái. Việc chuyển đổi cây trồng được chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo bà con nên chuyển đổi hợp lý, phù hợp với thổ nhưỡng cũng như điều kiện kinh tế gia đình.
Từ tháng 5 đến nay, giá thu mua mủ cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 80-120 đồng/độ. Người trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi, qua đó mạnh dạn chăm sóc, bón phân nhằm mang lại năng suất mùa vụ cao. Giá nhích lên như hiện nay, bà con có lãi cũng như chi công chăm sóc, nhân công, phân bón...
“Trong những năm gần đây, giá thu mua mủ cao su luôn ở mức dưới 300 đồng/độ. Nhiều hộ dân đã chặt bỏ, thanh lý cây cao su để trồng cây khác vì lý do diện tích ít hoặc thu không đủ chi cho phí đầu tư, nhân công. Hiện nay, giá đã khởi sắc hơn nên mang lại niềm vui cho người trên địa bàn nói riêng và người trồng cao su nói chung. Người dân cần phải chú ý khai thác theo đúng kỹ thuật, không ép mủ bằng cách dùng các chất kích thích để đảm bảo tuổi thọ cây được lâu dài hơn”, ông Điểu Cường cho biết thêm.
Theo thống kê đến cuối 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 244.000 ha cao su. Cây cao su vẫn là một trong những loại cây trồng lâu năm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, chiếm hơn 50% diện tích cây lâu năm chủ lực của tỉnh. Các chủ vườn thời gian qua đã trồng sử dụng giống có năng suất ổn định, thổ nhưỡng thích hợp, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả làm cho năng suất sản lượng trên diện tích tăng cao.