Tham dự hội thi có 4 đội tuyển đến từ các huyện Nam Sách, Bình Giang, Ninh Giang và thành phố Hải Dương. Các đội đã trải qua 3 phần thi gồm: Chúng tôi nói về chúng tôi; Kiến thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường và Tiểu phẩm tuyên truyền.
Đánh giá các phần thi, ông Phạm Đức Hội - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, các đội đã có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, phong phú, sinh động trong hình thức thể hiện và khả năng diễn xuất. Trong các phần thi, các đội đã giới thiệu được khai quát về địa phương, đơn vị, các thành viên và những hoạt động nổi bật trong việc tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường ở nơi sinh sống. Qua phần thi kiến thức, các đội tuyển đã nắm được những điều cơ bản về Luật Bảo vệ môi trường và các kiến thức liên quan; vận dụng tốt các kiến thức để xử lý các tình huống mà Ban tổ chức đưa ra. Các tiểu phẩm của các đội tuyển được dàn dựng công phu, có nội dung phù hợp, thể hiện được việc tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân và người dân tích cực hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ môi trường. Hội thi là cơ hội để cán bộ, hội viên nông dân khẳng định không chỉ giỏi trong lao động sản xuất, nắm vững các quy định của pháp luật mà còn là những tuyên truyền viên tích cực về bảo vệ môi trường.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội Nam Sách, giải Nhì cho đội Ninh Giang; giải Ba cho 2 đội Bình Giang và thành phố Hải Dương. Ban tổ chức cũng trao giải cho đội thành phố Hải Dương có phần thi “Tiểu phẩm tuyên truyền” hay nhất và đội Nam Sách giành giải cho phần thi “Chúng tôi nói về chúng tôi” hay nhất.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, công tác bảo vệ môi trường được các cấp, ngành quan tâm và được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động cụ thể như: tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và nhân rộng các mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp”; mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; mô hình “Chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường”; tổ chức trồng cây xanh, tuyên truyền trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các thông điệp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn…
Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.