Qua đó, góp phần cải thiện giao diện người dùng và thiết kế lại hành trình trải nghiệm người dùng cho từng dịch vụ theo nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ, súc tích các thông tin hướng dẫn các bước sử dụng dịch vụ, ưu tiên sử dụng hình ảnh, video ngắn trực quan dễ hiểu; sử dụng ngôn ngữ phổ thông, tránh sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ; tối ưu hóa các chức năng như tìm kiếm thông tin; quản lý lỗi sai, gợi ý sửa lỗi; thông báo lý do từ chối hồ sơ; gợi ý tên dịch vụ, cơ quan tiếp nhận gần và phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể; Bổ sung các tính năng chuyên biệt, được đơn giản hóa cho người dân không thông thạo máy tính, người dân tộc không thạo tiếng Kinh và nhóm người khiếm thị (ví dụ tìm kiếm bằng giọng nói).
Đối với hạ tầng phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) Ninh Bình phấn đấu hết năm 2023 có 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT; khai thác hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh; trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với giao diện, cách thức vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; trên 80% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; trên 85% hộ gia đình được phủ mạng, sẵn sàng đáp ứng cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cáp quang; 100% chữ ký số công cộng của các đơn vị cung cấp được kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Ninh Bình phấn đấu 100% các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được phê duyệt hồ sơ cấp độ mức độ 3 và đảm bảo an toàn theo cấp độ đã được phê duyệt; trên 20% thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản; tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm đối với việc rà soát, cung cấp DVCTT của cơ quan, đơn vị trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; Khuyến khích thực hiện các sáng kiến, giải pháp truyền thông về DVCTT cho người dân, các sáng kiến hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT, đặc biệt là người lớn tuổi, người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo mọi người dân có thể thao tác nộp trực tuyến tại nhà; Phát huy vai trò từng thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh trong việc hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng DVCTT để đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người biết cách sử dụng tài khoản VNeID, đăng nhập và sử dụng DVCTT trên các Cổng dịch vụ công.