Phát triển mô hình trang trại
Ông Đinh Văn Xuân (61 tuổi, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) bắt đầu phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả từ năm 2015. Tuy nhiên, thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm, kinh phí và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên không mang lại hiệu quả. Được chính quyền địa phương hỗ trợ học tập kinh nghiệm, tập huấn, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên ông Xuân đã biết cách làm ăn.
Trang trại kết hợp của gia đình ông Xuân có diện tích 1,3ha, nằm dưới chân đèo Chim Hút, thôn Trung Mỹ. Hiện, trong vườn có nhiều loại cây ăn quả như cau, mít, bưởi, dừa... cùng với đó là hồ nuôi cá và chuồng nuôi bò, lợn, gà… Ngoài ra, ông còn hơn 3ha trồng keo kết hợp các loại cây gỗ quý. Bình quân, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông Xuân thu về khoảng 200 triệu đồng.
“Diện tích đất này trước kia gia đình tôi trồng keo. Tuy nhiên, do khó khăn nên khi cây keo được vài năm tuổi gia đình đã báo keo non để trang trải cuộc sống. Cứ như thế, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Khi thấy một số người thành công với mô hình trang trại trên đất đồi, tôi đã bàn với gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với hy vọng thay đổi cuộc sống. Thời gian đầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Thật may khi chính quyền địa phương, các cấp hội hỗ trợ gia đình vay vốn, cho đi học các lớp tập huấn, nên tôi mới có ngày hôm nay”, ông Xuân chia sẻ.
Với sự chăm chỉ, chịu khó trong sản xuất, gia đình ông Xuân nhiều năm liền đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã và huyện. Không những thế, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con tại địa phương, vận động mọi người cùng nỗ lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Anh Đinh Văn Thu, xã Hành Dũng cho hay: Trước đây, gia đình anh trồng gần 1.500m2 keo và hơn 2 sào lúa nước nhưng hiệu quả không cao. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ông Xuân, anh đã chuyển đổi diện tích keo sang trồng cây ăn quả, xen canh trồng cỏ nuôi bò. Giờ đây, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Nhận xét về ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Dũng Trần Văn Thiện cho rằng: Ông Xuân không chỉ là gương điển hình trong việc vượt qua đói nghèo, không ngừng nỗ lực phấn đấu giúp gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo tại địa phương.
“Xóm Đèo, thôn Trung Mỹ là nơi có nhiều hộ dân đồng bào Hre sinh sống. Nhưng nhờ sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn kinh nghiệm làm ăn của ông Xuân mà đến nay thôn chỉ còn 2 hộ nghèo. Ông Xuân cũng là người góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới bà con. Hằng năm, gia đình ông Xuân luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và bản thân ông cũng đã được nhiều cấp hội khen thưởng”, ông Thiện cho hay.
Áp dụng kỹ thuật hiệu quả
Ông Nguyễn Tấn Hạnh (46 tuổi, một trong những nông dân điển hình ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện) mạnh dạn đưa giống cây ăn quả về trồng và mang lại hiệu quả. Trên gò đồi, ông Hạnh trồng 40 cây sầu riêng giống Mang Thong. Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả, vườn sầu riêng cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng. Bình quân mỗi cây có gần 40 quả, với giá tại vườn 70 nghìn đồng/kg, ông Hạnh đã thu về hơn 1 tỷ đồng.
“Khi mới bắt tay vào trồng trọt cũng vất vả trăm bề, bởi cây sầu riêng trồng đã khó lại còn lâu cho quả. Nhưng tôi đã kiên trì chăm sóc vườn sầu riêng đúng kỹ thuật. Không phụ lòng người, cây phát triển tốt, cho trái thơm, ngọt, mỏng vỏ. Đến nay vườn sầu riêng đã cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ thu được khoảng 1,5 tấn”, ông Hạnh cho hay.
Bên cạnh vườn sầu riêng, ông Hạnh còn trồng hàng trăm gốc cau, kết hợp dưới gốc cau là tiêu cùng với nhiều loại cây khác như sả, dứa, bơ... Theo ông Hạnh, hiện, vườn nhà ông có khoảng 600 gốc cau kết hợp tiêu. Riêng năm 2024, ngoài thu về khoảng 300kg tiêu thì việc cau có giá cao đã mang lại cho gia đình ông cả trăm triệu đồng.
“Theo kinh nghiệm nhiều năm làm vườn, tôi nhận thấy muốn hiệu quả thì phải lấy ngắn nuôi dài. Tức là bên cạnh cây ăn quả lâu năm thì phải có các cây ngắn ngày, hằng năm. Nhờ đó, chỉ tính riêng thu nhập từ trồng sả quanh vườn, mỗi năm tôi đã có gần 20 triệu đồng. Đến thời điểm này, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi thu về hàng trăm triệu đồng”, ông Hạnh nói.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay ông Hạnh đã trở thành một trong những hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế hộ tại huyện Nghĩa Hành. Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động; luôn sẵn sàng giúp các hộ nghèo trong thôn về cây con giống, cho vay vốn không lấy lãi, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Hành Lê Thị Nhật cho biết: Những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện chú trọng triển khai phát triển cả chiều rộng, chiều sâu và đã có sức lan tỏa lớn. Thông qua phong trào đã giúp nhiều nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Trong số đó có ông Đinh Văn Xuân và ông Nguyễn Tấn Hạnh. Đây là hai tấm gương điển hình vượt khó làm giàu và hết lòng giúp đỡ người dân nông thôn chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ cây con giống, giúp nhiều gia đình khác vượt qua đói nghèo. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.