Tái cơ cấu ngành công thương để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế

Theo Tờ trình của Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến 2030 gửi Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh (tư liệu): Thanh Vũ/TTXVN

Về tái cơ cấu ngành công nghiệp với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Cùng đó, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5-9%/năm.

Tờ trình cũng nêu cụ thể, tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. 

Ngoài ra, chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đặc biệt, xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.

Đáng chú ý, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp cac bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

“Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%”- Tờ trình nêu rõ.

Hơn nữa, việc phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, đảm bảo năng lực tự chủ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về tư liệu sản xuất của nền kinh tế và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu. 

Trong số đó, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành: công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Mặt khác, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như: luyện kim, hoá chất, cơ khí chế tạo.... theo hướng công nghiệp sinh thái với việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp nền tảng, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước; phát triển các sản phẩm thép hợp kim, thép chế tạo; các sản phẩm hóa dầu, hóa chất cơ bản, phân bón, cao su kỹ thuật, hóa dược, hóa chất tiêu dùng.

Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn tiếp theo ngành công nghiệp tiếp tục phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm... gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa.

Bên cạnh đó, mở rộng quy mô phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường xuất khẩu gắn liền với việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

Hơn nữa, tăng cường tiếp cận nguyên liệu đầu vào chất lượng cao hơn và nâng cao năng lực cho các dịch vụ hỗ trợ như tìm nguồn cung ứng, thiết kế, phát triển sản phẩm và tiếp thị mang lại cơ hội chuyển sang các phân khúc có giá trị tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị đối với ngành dệt may, da giày.

Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường liên kết giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp điện tử nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh.

Không những thế, tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước về quản lý và kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng để kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), từng bước tham gia vào quá trình thiết kế và sản xuất linh kiện của ngành.

Đáng lưu ý, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao...Đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước.

Ngoài ra, đẩy mạnh kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia.

Uyên Hương (TTXVN)
Năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69%
Năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69%

Năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN