Người dân thôn Đồng Om ở Hoà Bình thiếu nước sạch trầm trọng

Từ nhiều năm nay, 27 hộ dân thôn Đồng Om (trước đây là Om Ngái, xã Cao Dương, Lương Sơn, Hòa Bình) ngoài việc phải chống chọi với ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nổ mìn khai thác đá, còn phải sống chung với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất.

Chú thích ảnh
 Những người phụ nữ ở thôn Đồng Om (trước là Om Ngái) lấy nước chảy từ trên đồi xuống ở khu Vó Khạ vào những chiếc can để mang về sinh hoạt. 

Nhiều kiến nghị đã được người dân thôn Đồng Om gửi đến các cấp chính quyền với mong muốn được cung cấp nước sạch đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 27 hộ dân thôn Đồng Om hằng ngày vẫn phải đi lấy nước sạch từ nơi khác về sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Tư sinh sống tại thôn cho biết, ở thôn Đồng Om, nhà nào cũng có giếng khoan hoặc giếng khơi để lấy nước sử dụng. Đồng thời, các hộ cũng chủ động xây dựng bể chứa nước sinh hoạt hoặc một vài hộ mua sắm được téc nhôm đựng nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước này, người dân chỉ sử dụng được vào việc tưới tiêu, tắm giặt, chứ không dám dùng cho nấu ăn, đun nước uống, do nước nhiễm đá vôi rất nặng và bụi từ các mỏ khai thác đá.

12 năm nay, công việc mỗi ngày của anh Tư và người dân thôn Đồng Om là phải ra khu Vó Khạ, cách nhà khoảng hơn 2km để lấy nước sạch từ giếng làng và nguồn nước tự nhiên chảy từ trên đồi về để ăn uống.

Phóng viên TTXVN đã theo chân những người dân nơi đây, chứng kiến việc các hộ dân đi lấy nước sạch. Một nhóm những người phụ nữ trong thôn không hẹn mà gặp, họ đi trên những chiếc xe máy, xe đạp điện, lỉnh kỉnh mang theo những chiếc can to, nhỏ khác nhau, buộc vào xe đi lấy nước. Họ phải di chuyển trên con đường đầy "ổ voi" hư hỏng nặng, bởi những chiếc xe vận tải đá quá khổ quá tải ra vào mỏ đá.

Men theo con đường nhỏ len lỏi trong thôn dẫn đến khu vực giếng làng, khu vực này theo tiếng người Mường gọi là khu Vó Khạ, ở đây có một đường ống nước nhỏ dẫn từ trên đồi cao xuống mát lạnh chảy xuống quanh năm. Đây chính là nguồn nước sạch mà 27 hộ dân thôn Đồng Om lấy về ăn uống mỗi ngày. Những người dân thay phiên nhau hứng nước đầy các can mang theo, rồi lần lượt buộc lên xe mang nước sạch về nhà  ăn, uống.

Chú thích ảnh
Những người phụ nữ ở thôn Đồng Om (trước là Om Ngái) lấy nước chảy từ trên đồi xuống ở khu Vó Khạ vào can để mang về sinh hoạt. 

Mặc dù chưa có sự kiểm chứng, nguồn nước ở đây đảm bảo về chất lượng an toàn, nhưng theo bà Bạch Thị Dậu chia sẻ thì đó là nước tự nhiên chảy từ đồi cao xuống, đã được dùng qua nhiều năm nay nên người dân vẫn dùng và tin đó là nguồn nước sạch đáng tin cậy của thôn. “Nếu không lấy nước ở đây, chúng tôi cũng không biết lấy nước ở đâu để ăn uống nữa” bà Dậu nói.

Bà Nguyễn Thị Đào (thôn Đồng Om) là một trong những hộ sinh sống gần kề với mỏ đá Phú Đỉnh, chỉ cho chúng tôi xem bể chứa nước sinh hoạt của gia đình với bề mặt nước bị váng phủ trắng xóa bởi bụi đá.

Bà Đào chia sẻ, do nước tại bể chứa nhiều đá vôi và bị bụi đá lắng đọng đầy dưới đáy bể từ những đợt nổ mìn trên núi, nên gia đình bà chỉ dám dùng để rửa và giặt giũ. Không những thế, bụi đá từ các mỏ đá bám hết lên bề mặt cây trồng nên cây cũng không phát triển được, năng suất kém dẫn đến thu nhập từ trồng trọt của người dân trong thôn cũng sụt giảm.  

Ngoài các hộ mua được téc nước inox để tránh bụi đá thì đa số các hộ dân thôn Đồng Om vẫn phải sử dụng bể chứa nước lộ thiên và che chắn bằng nhiều cách để tránh bụi từ các mỏ đá. Hiện xung quanh thôn Đồng Om có các mỏ đá như: Mỏ đá Phú Đỉnh; Mỏ đá số 9; Mỏ đá số 7; Mỏ Cao Dương; Mỏ Phát Đạt, Mỏ đá số 5… 

Nhiều gia đình trong thôn vì lo lắng cho sức khỏe gia đình đã sắm máy lọc nước cỡ nhỏ, nhưng do đá vôi và bụi, cặn nhiều nên dùng máy lọc. Nhưng chỉ dùng được một thời gian ngắn là phải thay lõi lọc, tốn kém nên nhiều hộ chấp nhận đi lấy nước ở khu Vó Khạ. Tuy nhiên, theo người dân thôn Đồng Om thì ngay cả khi dùng nước lấy lên từ giếng hoặc từ bể chứa hoặc sau khi lọc thì nước vẫn có mùi vị khó uống và khó dùng.

Khi được hỏi về vấn đề nước sạch tại thôn Đồng Om, Chủ tịch UBND xã Cao Dương Nguyễn Văn Khiên cho biết, nước bị nhiễm đá vôi nặng cũng là vấn đề chung của nhiều hộ dân trong xã. Tại trụ sở UBND xã Cao Dương cũng có giếng nước nhưng chỉ để dùng vào việc khác, còn nước uống thì xã phải mua nước khoáng từ Kim Bôi về.

Chính quyền UBND xã Cao Dương đã nhiều lần đề xuất với chính quyền huyện Lương Sơn sớm đưa ra phương án xây dựng công trình nước sạch hoặc dẫn nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh về để phục vụ đời sống sinh hoạt của thôn Đồng Om nói riêng và cả xã Cao Dương nói chung, nhưng vẫn chưa thấy được triển khai.

Chú thích ảnh
 Bể nước nhà bà Nguyễn Thị Đào, thôn Đồng Om là một trong những hộ sinh sống gần kề với mỏ đá Phú Đỉnh phủ váng trắng xóa bởi bụi đá. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Anh Đức, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do bụi đá và các vấn đề về khai thác đá bằng vật liệu nổ ở thôn Đồng Om, UBND huyện đã nắm bắt được thông tin. Tuy nhiên, do khu vực thôn Đồng Om, dân cư sinh sống rải rác và phân tán, vì vậy việc chủ động cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân bằng các hệ thống nước sạch, nguồn nước sạch do Nhà nước đầu tư là chưa thể thực hiện được vì không đáp ứng được các yêu cầu như: Số lượng dân cư ít, vị trí khu dân cư xa khu vực trung tâm...

Chính quyền huyện Lương Sơn cũng đã yêu cầu UBND xã Cao Dương, các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn phối hợp cùng với nhân dân thôn Đồng Om từng bước hỗ trợ, khắc phục các khó khăn. UBND huyện đã tham mưu, xin ý kiến các sở, ngành tỉnh Hòa Bình, đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 khoảng 16ha ở khu mặt đường Hồ Chí Minh, xây dựng khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác tại địa bàn xã Cao Dương.

Vấn đề về nước sạch và ô nhiễm từ các mỏ đá vốn đã tồn tại nhiều năm tại thôn Đồng Om, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Người dân nơi đây đang mong chờ từng ngày về các giải pháp mà chính quyền các cấp huyện Lương Sơn đưa ra sẽ sớm được thực hiện, để người dân thôn Đồng Om được hưởng các chính sách tái định cư, sớm được yên ổn làm ăn và ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Trọng Đạt (TTXVN)
Tăng tốc để đạt được mục tiêu nước sạch và vệ sinh vào năm 2030
Tăng tốc để đạt được mục tiêu nước sạch và vệ sinh vào năm 2030

Thế giới đã có những bước tiến nhất định hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người (Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên hợp quốc). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vào năm 2030, chúng ta cần phải tiến nhanh gấp 4 lần so với hiện tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN