Nghiên cứu, đề xuất giải pháp căn cơ bảo vệ bờ biển Hội An

Sạt lở bờ biển Hội An từ lâu đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, sau các trận bão lũ vừa qua, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An càng trở nên nghiêm trọng hơn, sóng biển liên tục ngày đêm đánh vào làm kéo dài chuỗi sạt lở và ăn sâu vào trong đất liền. Bãi biển Hội An, một trong những bãi biển đẹp nhất trên thế giới đã, đang và tiếp tục mất dần từng ngày.

Chú thích ảnh
Bờ biển bị sạt lở, cây cối và nhiều công trình sập đổ ngổn ngang. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Ông Nguyễn Thành Sang, chủ chuỗi khách sạn Palm Garden Resort Hội An cho biết: Nhiều năm qua, doanh nghiệp của ông nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch ở khu vực bờ biển Hội An nói chung đã tích cực chung sức với Nhà nước để huy động số tiền hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng công trình ngăn chặn sự xâm thực ngày càng mạnh của sóng biển. Tuy nhiên, những công trình này chỉ mang tính cấp bách, tạm thời và phần lớn bị tiêu tan sau các trận bão lớn vừa qua. Hiện tại, khu khách sạn Palm Garden Resort Hội An trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang tiếp tục hứng chịu sự tàn phá ngày càng nghiêm trọng của triều cường và sóng biển. 

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: Du lịch và sản phẩm du lịch biển đảo đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Những nguồn tài nguyên quý giá như nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển đang được thành phố Hội An xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo, có sức hấp dẫn mạnh với du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, do sự tác động của thiên nhiên, bờ biển của Hội An liên tiếp bị sạt lở, cuốn trôi, không thể lấy lại được. Thực trạng này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của địa phương.

Tại hội thảo bàn về giải pháp căn cơ và bền vững bảo vệ bờ biển Hội An vừa diễn ra ở Quảng Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Công (Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan) cho biết: Giải pháp tổng thể công trình chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, được đông đảo các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đề xuất có tính khả thi cao là sử dụng đê ngầm và vật liệu rời để giảm sóng xa bờ (tuyến đê ngầm đặt tại vị trí có cao độ đáy biển khoảng -5m, cách đường mép nước khoảng 250m), kết hợp nuôi bãi từ vị trí đê ngầm vào bờ.

Phía trong đường bờ, bố trí kè mềm bảo vệ bờ, kết hợp chỉnh trang cảnh quan tuyến đường dạo biển. Lượng cát phục vụ nuôi bãi được lấy từ các cồn ngầm phía ngoài Cửa Đại, kết hợp với nguồn cát nạo vét khôi phục tuyến luồng cửa sông và nguồn cát ngoài khơi, cách bờ từ 5-10km.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Công nhấn mạnh: Giải pháp công trình tổng thể nhằm chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An nếu được thực hiện một cách bài bản sẽ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển của thành phố Hội An nói riêng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven biển của tỉnh Quảng Nam nói chung.

Theo các nhà khoa học, về tổng thể, quy mô các hạng mục công trình chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam như sau: Tuyến đê ngầm giảm sóng song song với tuyến đường bờ, có chiều dài 6.608m bắt đầu từ Khu Du lịch Vinpeal Hội An đến Khu du lịch 5 sao Bắc Kỳ, kéo dài từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An. Cao trình đỉnh đê ngầm đặt tại -0,5m để đảm bảo có khu nước phục vụ tắm biển khi triều kiệt trong điều kiện thời tiết bình thường; cao độ đáy biển tại vị trí đặt đê ngầm sâu -5m.

Tuyến kè mềm áp mái chỉnh trang bờ biển và bảo vệ bờ trong điều kiện bão có chiều dài 5.285 m từ Bến phà đi Cù Lao Chàm đến Boutique Resort (phường Cẩm Thanh). Khoảng cách từ đỉnh mái dốc của tuyến kè bảo vệ bờ biển đến tim đê ngầm giảm sóng trung bình là 200-250m. Phạm vi nuôi bãi có bề rộng trung bình là 250m tính từ đỉnh mái dốc kè bảo vệ bờ ra phía biển tôn tạo bằng cát với độ dốc 2%, kéo dài đến đê ngầm giảm sóng.

Cùng với đê ngầm giảm sóng là hệ mỏ hàn ngầm chia ô để gia tăng khả năng giữ cát với khoảng cách trung bình 300m mỗi ô. Song song với đó là nạo vét luồng vào cửa sông có chiều rộng khoảng 100m, chiều dài khoảng 2.500m, cao độ đáy luồng -5m dọc theo bờ trái của cửa sông Cửa Đại với trữ lượng nạo vét là khoảng 721.000m3 đất cát để bổ sung cho bãi nuôi.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế: Cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển
Thừa Thiên - Huế: Cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển

Tối 5/11, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát thông báo về cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh để chính quyền và nhân dân địa phương chủ động theo dõi, phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai trong năm 2020 – 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN