Giải quyết việc làm cho trên 150 lao động
Tính đến tháng 3/2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đã giải ngân trên 12 tỷ đồng nguồn vốn giải quyết việc làm cho trên 150 lao động để đầu tư chăn nuôi, mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cở sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm OCOP.
Hiện tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bố Trạch trên 117 tỷ đồng.
Cho 22 người tham gia chấp hành xong án phạt tù vay vốn
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đã phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng chấp hành xong án phạt tù.
Tính đến ngày 24/3/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đã cho 22 người tham gia chấp hành xong án phạt tù vay vốn với số tiền là trên 1.6 tỷ đồng để tạo kế sinh nhai, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bố Trạch, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Tính đến tháng 2/2024, trên toàn huyện Bố Trạch, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vay với tổng dư nợ hơn 836 tỷ đồng, trong đó hơn 202 tỷ đồng cho gần 3.000 hộ nghèo, cận nghèo vay và gần 105 tỷ đồng cho các hộ mới thoát nghèo; trên 100 tỷ đồng cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện còn triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hai xã Tân Thưởng, Thưởng Trạch theo Nghị định 28/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; cho vay đầu tư nước sạch, vệ sinh môi trường; vốn cho học sinh, sinh viên, người chấp hành xong án phạt tù… Qua đó, không chỉ giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, quan trọng hơn còn là điểm tựa để người dân yên tâm, không tìm đến nguồn “tín dụng đen” tiềm ẩn.
"Xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng hành của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, cùng với ý thức chịu khó làm ăn, vươn lên của người dân đã giúp đời sống Nhân dân các xã miền núi ổn định, từng bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo hướng bền vững đã và đang từng bước làm đổi thay diện mạo nông thôn trên mảnh đất vùng biên giới", đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch chia sẻ.