Các huyện, thị trên có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung lớn gồm khoảng 24.500 ha sầu riêng xuất khẩu; trong đó, có trên 16.000 ha đang cho thu hoạch; trên 15.000 ha mít; khoảng 2.000 ha xoài và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác. Đây là những cây trồng đang rất cần nguồn nước tưới, chống hạn trong mùa khô 2024 – 2025.
Chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, canh tác 2.000 m2 sầu riêng ở thị xã Cai Lậy vui mừng cho biết, nhờ trận mưa to này, vườn sầu riêng của gia đình sẽ hồi phục sau những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua. Sầu riêng là cây trồng rất cần nước tưới để sinh trưởng. Nếu thiếu nước, cây sẽ suy kiệt, giảm năng suất, thiệt hại cho nhà vườn rất lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay có không ít khu vườn sầu riêng đang ra hoa, kết quả hoặc sắp đến kỳ thu hoạch.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, canh tác 3.000 m2 mít Thái ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đánh giá, cơn mưa to trái mùa buổi chiều được nông dân địa phương trông đợi. Mưa to giải hạn cho vườn cây, cải thiện nguồn nước tưới tiêu, bà con ai cũng phấn khởi. Ông Hiếu cho biết, trước mắt, trong vài ngày tới, khu vườn của ông không phải tốn công bơm tát, tưới tiêu, giảm được chi phí sản xuất mà cây vẫn đảm bảo xanh tốt.
Trong ngày hôm qua (31/3) và sáng hôm nay, tại khu vực duyên hải phía Đông Tiền Giang như Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây cũng đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa góp phần cải thiện, tăng thêm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn cho các vùng trồng rau màu, vùng chuyên canh thanh long tại địa phương đang rất cần nước sản xuất.
Các cơn mưa trái mùa liên tiếp trong hai ngày qua trên diện rộng tại tỉnh Tiền Giang được người dân quý như vàng trong tình hình mùa khô nơi đây đang vào cao điểm với nguy cơ gây hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào phía thượng lưu đe dọa sản xuất, đặc biệt là ảnh hưởng các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao phía Tây tỉnh.
Trước đó, ngay từ đầu mùa khô 2024 – 2025, Tiền Giang chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó hạn mặn cho từng tiểu vùng, phù hợp với diễn biến tình hình thủy văn và mang lại hiệu quả, giảm nhẹ thiên tai.
Cụ thể, trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông quan tâm chuyển đổi cây trồng thích ứng hạn mặn và phân bố hợp lý mùa vụ đảm bảo thu hoạch ăn chắc trà lúa Đông Xuân, không để thiệt hại do thiên tai.
Đối với vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Tây, vùng kiểm soát lũ đầu nguồn, vùng Đồng Tháp Mười, địa phương theo dõi sát, liên tục cập nhật diễn biến mặn và độ mặn trên sông Tiền 24/24h trong ngày để kịp thời đóng các cống ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập vào nội đồng.
Đồng thời, các huyện, thị đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp chăm sóc phục hồi vườn cây trong mùa hạn mặn, ngăn ngừa cây suy kiệt hoặc chết gây thiệt hại cho nông dân.