Từ 0 giờ ngày 2/6, các doanh nghiệp của Bắc Ninh triển khai mô hình cho công nhân, người lao động ở lại khu vực nhà máy, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất để phát triển kinh tế”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Bắc Ninh về những nỗ lực, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch, về việc triển khai mạnh mẽ, đúng hướng, trong đó có những giải pháp sáng tạo, phù hợp nhằm kiềm chế dịch bệnh hiệu quả, từng bước ổn định đời sống, sản xuất. Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh.
Vào cuộc quyết liệt
Bắc Ninh là trung tâm về sản xuất công nghiệp của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử viễn thông. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp của Bắc Ninh có kết nối chặt chẽ trong chuỗi sản xuất với các tỉnh lân cận. Trước khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19, toàn tỉnh có 1.120 doanh nghiệp hoạt động, nằm trong 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450.000 công nhân.
Tuy nhiên, từ khi xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trong khu công nghiệp (tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Johnson Health thuộc Khu công nghiệp Thuận Thành 2 vào ngày 9/5), đến hết ngày 1/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 219 ca mắc COVID-19 ở 35 doanh nghiệp của 5 khu công nghiệp và 20 doanh nghiệp của các cụm công nghiệp.
Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhận định, đây là đợt dịch rất căng thẳng do virus thuộc biến chủng mới. Trong khi đó, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều công nhân tại các khu công nghiệp; có nhiều nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp, từ các khu công nghiệp của Bắc Giang lây sang Bắc Ninh.
Do đó, ngay sau khi ghi nhận các ca mắc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các lực lượng đã khẩn trương vào cuộc rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2, F3 có liên quan đến các ổ dịch; yêu cầu công nhân, người lao động khai báo y tế, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Bắc Ninh triển khai phần mềm báo cáo nhanh trên trang https://bandocovid.bacninh.gov.vn/ danh sách tất cả những người lao động, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh để từ đó hỗ trợ công tác truy xuất số liệu nhanh, kịp thời cho công tác truy vết, quản lý khi phát hiện ca mắc mới liên quan.
Các lực lượng đẩy mạnh công tác xét nghiệm sàng lọc ở các điểm có ổ dịch; đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ, đặc biệt khu nhà trọ có đông công nhân. Trong vòng 7 ngày qua đã có hơn 10.000 trong tổng số 70.000 công nhân ở Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong được kiểm tra nhanh. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh, khẳng định: “Các lực lượng đang tập trung lên kế hoạch để giữ bằng được sự an toàn trong các khu công nghiệp lớn ở Bắc Ninh. Các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy phải có kịch bản ứng phó cụ thể trong trường hợp xuất hiện ca mắc COVID-19”.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 4 Tổ công tác để kiểm tra 216 doanh nghiệp về phòng, chống dịch; thành lập hơn 7.600 Tổ an toàn COVID-19 trong các doanh nghiệp; thành lập “Nhóm thông tin COVID các khu công nghiệp Bắc Ninh” với hơn 1.000 thành viên tham gia và nhóm zalo trong từng khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, đánh giá tình hình dịch; chỉ đạo xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 10% đối với công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phải yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức cho người lao động ở tạm trong doanh nghiệp để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây lan dịch bệnh.
Giải pháp chưa có tiền lệ
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, “doanh nghiệp hoạt động trở lại phải tuyệt đối an toàn, không an toàn không được hoạt động trở lại”, tỉnh Bắc Ninh đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất liên tục.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, việc bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở tại nhà máy nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp, bảo vệ an toàn sức khỏe và cuộc sống của người lao động. Đây được xem là “giải pháp chưa có tiền lệ” nhưng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Triển khai bố trí người lao động ăn ở, làm việc trong khu vực nhà máy, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân làm trong các nhà máy; đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm lượng công nhân trực tiếp tham gia sản xuất. Công nhân, người lao động có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính trong vòng 72 giờ được phép đến làm việc; đồng thời phải cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh hoặc các cơ quan chức năng giám sát.
Đến nay, đã có 504 trong số 1.120 doanh nghiệp đã triển khai cụ thể, sáng tạo; từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp khác còn khó khăn, lan tỏa mô hình sáng tạo. Từ nay đến ngày 2/6, khi Bắc Ninh cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tiêu chí an toàn trở lại sản xuất, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nêu trên xây dựng dự thảo theo kế hoạch “Quy chế phối hợp tạm thời quản lý người lao động và người nước ngoài ở tạm trong các doanh nghiệp/nhà máy vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh”.
Trong đó, các lực lượng tập trung đảm bảo công tác y tế, phòng cháy chữa cháy, an ninh - trật tự, an toàn thi công xây dựng các hạng mục dã chiến, sử dụng tạm thời, đấu nối giao thông; cung cấp đủ điện nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường thu gom xử lý rác thải, chất thải, bố trí các công trình vệ sinh di động cũng như hệ thống giám sát camera, lưu thông hàng hóa, lương thực thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu thông không khí…
Đồng thời, Bắc Ninh yêu cầu 100% công nhân khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluzone và yêu cầu bật ứng dụng 24/24, lắp đặt camera giám sát, cung cấp địa chỉ cư trú, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch trên xe đưa đón công nhân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã, phải vào cuộc, giám sát chặt chẽ khu nhà trọ công nhân không được để tụ tập đông người, không được ra ngoài… để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ duy trì sản xuất.
Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, các sở, ban, ngành để xây dựng tiêu chí lựa chọn công ty, đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng hướng dẫn tạm thời về phòng, chống dịch COVID-19 đối với nơi lưu trú tập trung cho người lao động khi quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: “Trên tinh thần hỗ trợ Bắc Ninh sớm hoàn thành việc tiêm hết số vaccine đã được cấp xong trước 10/6 cho các trường hợp đã lựa chọn, Bộ Y tế sẵn sàng giúp đỡ Bắc Ninh chuyên gia để thực hiện thành công chiến lược tiêm lần này”.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Ninh - nơi được coi là "chuỗi mắt xích" sản xuất công nghiệp quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Với quyết tâm "không để đứt gãy" hoạt động sản xuất, các cấp ủy, chính quyền, người dân và các doanh nghiệp nỗ lực, vào cuộc đồng bộ nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống bất chợt xuất hiện ca mắc COVID-19, quyết tâm vượt qua khó khăn, cùng với cả nước hoàn thành “mục tiêu kép”.