Đất lành chim đậu, tiếng lành đồn xa
Tân Kỳ là một trong 11 huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90km, giờ đây mang diện mạo nông thôn khởi sắc, với những đổi thay nhờ hệ thống đường sá được mở rộng, bê tông hóa, rải nhựa phẳng lì, di chuyển rất thuận tiện.
Những ai từng đến Tân Kỳ ắt không quên những con đường xuyên rừng, lượn đồi này của hai thập niên về trước. Hồi ấy, miền quê Tân Kỳ chỉ toàn đường đất đỏ, bụi mù mịt vào mùa nắng, sinh lầy vào mùa mưa. Thời điểm ấy, không chỉ có riêng các tuyến đường “khổ ải”, mà cuộc sống của hầu hết 50.000 hộ dân Kinh, Thái, Thổ…. ở 22 xã, thị trấn trên địa bàn đều vô cùng gian nan, thiếu thốn, cùng nền sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện đã đoàn kết, chung một ý chí, tìm các giải pháp phù hợp mở kế đưa quê hương từng bước đi lên trên con đường phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, dù gặp không ít khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh COVID-19, các chỉ tiêu kinh tế của Tân Kỳ vẫn hoàn thành đúng kế hoạch, lĩnh vực an sinh xã hội được đảm bảo….
Cụ thể, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 7,52%. Diện mạo nông thôn miền núi thay đổi từng ngày; hàng loạt nhà ở của dân được xây dựng khang trang; đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc được nâng lên, hộ khá, giàu ngày càng nhiều….
Trả lời câu hỏi vì sao vùng miền núi khởi sắc nhanh chóng, ông Bùi Thanh Bảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Tân Kỳ, không ngần ngại đáp: Nguyên nhân làm nên sự đổi thay diệu kỳ này thì có nhiều, nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là việc cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, ban ngành vào cuộc, thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây chính là động lực đánh thức khát vọng, ý chí thoát nghèo của người dân ở nơi gian khó thuộc miền tây xứ Nghệ.
Tín dụng chính sách phủ khắp làng quê Tân Kỳ
Đúng như đánh giá của Bí thư huyện ủy Tân Kỳ, kết quả đạt được của địa phương, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc, thì còn có phần đóng góp quan trọng, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại địa bàn; đã tập trung huy động được nguồn lực tài chính lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Giám đốc NHCSXH huyện Tân Kỳ, ông Phan Thanh Tú cho biết: Điểm nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ở Tân Kỳ là đã tạo được sự đồng thuận và tham gia tích ực của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ huyện đến làng xã cùng với việc tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn giao cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cụ thể, đến ngày 30/4/2024, UBND huyện và các xã, thị trấn đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH 4.666 triệu đồng, góp phần nâng tổng dư nợ vốn chính sách toàn địa bàn đạt 649.744 triệu đồng với 21 chương trình tín dụng và 11.552 hộ vay vốn đang dư nợ.
Gần 650 tỷ đồng vốn chính sách đó đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Tân Kỳ chuyển tải nhanh chóng, đến đúng các đối tượng thụ hưởng và đầu tư trực tiếp tới 100% làng, xã quê hương, bất kể ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Vốn tín dụng chính sách đã phủ kín huyện Tân Kỳ, tạo điều kiện thuận tiện hỗ trợ 35.280 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp cho 3.252 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho 2.250 lao động, giúp cho 8.649 học sinh sinh viên vay được vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 9.393 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn; sửa chữa, làm nhà ở kiên cố cho nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn.
Cùng với đó, nguồn vốn chính sách còn chung sức nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng/người năm 2002, lên 38,5 triệu đồng/người/năm 2022 (tăng hơn 11 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40) góp phần tạo sự sức bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế tran trại, gia trại đạt năng suất, thu nhập cao.
Đơn cử như gia đình bà Phan Thị Mái, xóm Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Phúc. Năm 2011, nhà thuộc diện hộ nghèo, nhưng các con của bà lại hiếu học. Nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 128,6 triệu đồng đã giúp 3 con của bà được học đại học. Cùng với đó, từ 16 triệu đồng nguồn vốn vay chương trình dự án phát triển lâm nghiệp, bà đã mạnh dạn vay thêm 40 triệu chương trình cho vay hộ cận nghèo; đầu tư cho sản xuất chăn nuôi. Đến nay, các con của bà đã ra trường và có việc làm thu nhập cao và ổn định, cùng với gia đình trả nợ ngân hàng, tích cóp gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH.
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn, đã sử dụng vốn vay ưu đãi để cải tạo vườn tạp của gia đình thành mô hình vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới được gần 3 năm nay. Theo anh Mạnh, tham gia mô hình này, gia đình anh được vay vốn chính sách thuận lợi, đồng thời còn được hỗ trợ hệ thống lại vườn tược, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả. Nhờ đó, trang trại của gia đình đã phát triển tốt, mang lại thu nhập cao, trả nhanh hết tiền vay và lãi cho ngân hàng. Tính ra bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Tân Kỳ đã khơi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức giảm nghèo của người dân và huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, vùng miền núi dân tộc trên miền tây Nghệ An đã xích lại gần với miền xuôi, nghèo khó đang được đẩy lùi dần. Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tươi vui thêm...