Làm giàu từ rác thải, góp phần bảo vệ môi trường

Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, ủ lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi, trùn quế… là những mô hình được nhiều hộ nông dân tại Gia Lai triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Ủ rơm làm thức ăn chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, đời sống người dân mà còn biến rác thải thành giá trị kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp gà giảm tỷ lệ mắc bệnh cao, nhất là bệnh tiêu chảy và bệnh hen, giúp giảm tỷ lệ chết ở gà. Mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học được khuyến khích áp dụng và là mô hình an toàn thân thiện với môi trường… Đó là những kiến thức mà anh Nguyễn Hữu Phú (làng Nhung, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức thông qua Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai. 

Là một nông dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp, chăn nuôi thuần túy, việc được tiếp cận với các mô hình khoa học đã tạo điều kiện cho gia đình anh Phú thay đổi được “nếp nghĩ, cách làm”. Từ đó, tạo dựng được nhiều phương thức sản xuất, chăn nuôi tiên tiến có giá trị kinh tế cao.

Gần một năm nay, gia đình anh Phú đã thực hiện phương thức nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi trùn quế và ủ rơm cho bò ăn. Anh Phú chia sẻ, với mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, gia đình đang áp dụng nuôi nhỏ lẻ nhưng thấy rất hiệu quả, gà ít bị bệnh và phát triển nhanh. Còn mô hình nuôi trùn quế và ủ rơm cho bò ăn thì rất thiết thực và hiệu quả kinh tế cao. Trùn quế giúp cải tạo, xử lý phân bò rất tốt, giảm công ủ phân. Phân bò sau khi được xử lý bằng trùn quế rất tơi, xốp, bón cây trồng rất hiệu quả.

Chú thích ảnh
Ủ rơm làm thức ăn chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cây trồng, vật nuôi phát triển, tăng trưởng tốt hơn, những mô hình trên cũng góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng hết các phụ phẩm trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Nguyễn Hữu Phú cho biết: Như mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học là sử dụng hỗn hợp giữa chất trộn (có thể là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào…) kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Phân của gà sau khi thu dọn đệm lót có thể dùng bón cây rất tốt.

Tương tự, gia đình ông Hoàng Hữu Quảng - thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cũng đang phát triển tốt với mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cho chăn nuôi gà. Ông Quảng chia sẻ, sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi.

Cách nuôi sâu canxi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp, xô, chậu hoặc thùng nhựa để làm chỗ trú ẩn cho sâu. Thức ăn của sâu chính là chất thải của động vật, các phế phẩm rau xanh thải ra trong quá sinh hoạt hằng ngày… Vì vậy, nuôi sâu canxi không chỉ bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sử dụng sâu can xi trong nuôi gà rất tốt, gà tăng trưởng nhanh, ít bệnh tật, chất lượng thịt gà ngon hơn.

Với nguồn dinh dưỡng từ nuôi sâu canxi, gia đình ông Quảng đã luân phiên nuôi đàn gà từ 50 - 60 con. Đều đặn 4 tháng, gia đình ông cho xuất chuồng hơn 1 tạ gà thịt. So với cách nuôi truyền thống thì dùng sâu can xi nuôi gà sẽ rút ngắn thời gian xuất chuồng xuống hơn 2 tháng. Trước đây gia đình ông chỉ nuôi được 2 lứa gà/năm, từ ngày dùng sâu can xi để nuôi gà thì mỗi năm gia đình xuất được 3 lứa gà.

Chú thích ảnh
Ủ rơm làm thức ăn chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Gia Lai đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là thành công bước đầu của dự án khi người dân dần thay đổi tập quán cũ sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Bài, ảnh: Quang Thái (TTXVN)
Đồng Tháp: Khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo
Đồng Tháp: Khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo

Ngày 19/12, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần chỉ số Nông nghiệp (viết tắt Agri Index) tổ chức lễ công bố khởi động Dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo. Tính đến nay, đây là dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN