Lai Châu tạo niềm tin, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Ngày 23/5, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI, SIPAS năm 2023 và công bố chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2023.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Năm 2023, công tác cải cách hành chính của tỉnh Lai Châu có những bước đột phá về thứ hạng so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt 43,6223 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng trong tốp 20 toàn quốc, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; tăng 9 bậc so với năm 2022.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,48 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 hạng so với năm 2022; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 79,82%, tăng 0,48% so với năm 2022. Nhiều sở, ngành, địa phương của tỉnh đều có mức độ hài lòng đạt cao, nổi bật là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng đều có mức độ hài lòng đạt 100%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc; những sáng kiến, giải pháp khắc phục trong công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu Hoàng Đại Thắng cho hay, công tác cải cách hành chính luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng, nhiều bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng đã được đơn giản hóa nhằm tiết kiệm thời gian cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Đơn cử như thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lần đầu hạng II, hạng III đã cắt giảm thời gian giải quyết từ 18 ngày làm việc xuống 12 ngày làm việc; thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thì đối với dự án nhóm B không quá 25 ngày, dự án nhóm C không quá 15 ngày. Từ việc rút ngắn thời gian giải quyết đã góp phần tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh của các cấp chính quyền, tăng niềm tin, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng đó, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đề cao vai trò người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách.

Việt Dũng (TTXVN)
Quảng Ninh đứng đầu trên cả 4 bảng xếp hạng PAR INDEX, SIPAS, PCI và PGI
Quảng Ninh đứng đầu trên cả 4 bảng xếp hạng PAR INDEX, SIPAS, PCI và PGI

Năm 2023, Quảng Ninh xuất sắc xếp vị trí quán quân ở trên cả 4 bảng xếp hạng chỉ số quan trọng: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN