Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số; thu ngân sách đạt trên 55.000 tỷ đồng; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Điển hình thực hiện thành công "mục tiêu kép"
Năm 2022, với chủ đề công tác năm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; giữ vững địa bàn an toàn, thích ứng linh hoạt, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ sớm, từ xa, từ cơ sở; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước các diễn biến mới của dịch bệnh. Quyết liệt chỉ đạo triển khai chiến lược vaccine "thần tốc" chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Nhờ đi đầu trong cả nước trong thực hiện thành công chiến lược vaccine, Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ cao nhất vaccine phòng COVID-19. Đến nay, độ bao phủ vaccine mũi 1, 2 đối với người đủ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%, mũi 3 đối với người đủ 18 tuổi trở lên đạt 97,2%.
Đảm bảo được sự an toàn trong dịch bệnh, Quảng Ninh tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, khôi phục nhanh chóng ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số đạt mức 10,28% đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022), tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Thu ngân sách cả năm đạt hơn 56.000 tỷ đồng, bằng 124% dự toán Trung ương giao.
100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, để chuyển sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Điểm nhấn của năm 2022 là Quảng Ninh đã huy động được mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng một loạt các dự án trọng điểm như: cầu Tinh Yêu (cầu Cửa Lục 1) nối khu vực Hạ Long với Hoành Bồ, đường bao biển kết nối 2 thành phố Hạ Long – Cẩm Phả.
Tiếp đến vào tháng 9/2022, Quảng Ninh khánh thành và đưa vào hoạt động đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với chiều dài 80,2km, đưa tỷ lệ đường cao tốc Quảng Ninh đến nay chiếm 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước (176km/1.046km), tạo bước phát triển mới, đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kiết vùng, hội nhập quốc tế.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án: cầu Cửa Lục 3, giai đoạn 2 đường Hạ Long – Cẩm Phả, đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, khởi công dự án nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, Trường cao đẳng nghề Việt – Hàn..
Ngoài ra, Quảng Ninh đang tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ác dự án ngoài ngân sách trọng điểm như: nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, dự án khu đô thị p hức hợp Hạ Long Xanh, dự án Cảng Vạn Ninh, sân golf Đông Triều. Năm 2022, Quảng Ninh đã khởi công 4 dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn; Tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại thị xã Quảng Yên, dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đông Mai ở thị xã Quảng Yên và dự án nhà ở xã hội ở thành phố Hạ Long.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được trong năm 2022 và liên tục trong 3 năm (2020 - 2022), trước những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương điển hình về chủ động phòng, chống, kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện thành công “mục tiêu kép”; giữ vững và phát huy vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; tạo ra thế và lực mới để thực hiện các mục tiêu còn lại của cả giai đoạn 2021 - 2025.
2023 – năm bản lề có ý nghĩa quan trọng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định: Năm 2023 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường và xác định chủ đề năm là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Quảng Ninh đưa ra mục tiêu quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng 2 con số của cả giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Quảng Ninh phấn đấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 tăng trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 54.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Để đạt mục tiêu trên, Quảng Ninh tập trung thúc đẩy thực hiện các khâu đột phá nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái.
Tỉnh sẽ phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế khác biệt, năng lực hạ tầng giao thông vượt trội để phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp mới, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đưa chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới bền vững... đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người.
Quảng Ninh sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số, xoá bỏ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm "nội lực là căn bản, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu”.
Tỉnh tiếp tục chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt thu hút ngoài ngân sách, thúc đẩy đầu tư xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP). Ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa, hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo, để thực hiện hiệu quả, thành công Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đơn vị, sở, ngành, địa phương đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt ngay từ đầu năm, bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch.
Trước mắt, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nắm bắt kỹ tình hình, diễn biến dịch COVID-19 để chủ động các biện pháp phòng, chống hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chu đáo cho nhân dân trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, không để người dân, hộ gia đình nào không có Tết.