Những chính sách nhân văn
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các chính sách, chương trình giảm nghèo ở nhiều mặt như: tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm. Cùng với đó, tỉnh ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương, nhất là các xã khu vực nông thôn khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Để nâng cao phúc lợi cho người nghèo, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo sớm ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 800 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cho hơn 16.000 hộ vay.
Trong năm 2023, các cấp chính quyền tỉnh cùng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ 18.187 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng. Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ xây và sửa chữa 156 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng; hỗ trợ 15 học sinh nghèo được đến trường.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, đến tháng 12 năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,69%. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công. 100% xã, phường không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Những điển hình thoát nghèo
Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có hơn 80% người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách chung của cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, xã luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, lồng ghép nhiều giải pháp giảm nghèo thiết thực như: Hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức canh tác cho người dân. Nhờ đó, trên địa bàn, nhiều hộ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Điển hình như gia đình bà Kim Thị Tịnh (thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù) đã từng bước thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng. Bà Tịnh chia sẻ, năm 2018, khi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, gia đình bà đã mua bò sinh sản và nuôi gia cầm. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền về kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò và gia cầm của gia đình bà sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo, thu nhập ổn định và có tích lũy.
Năm 2022, sau khi thoát nghèo, bà Tịnh tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên diện tích khoảng 2 ha. Đến nay, gia đình bà đang nuôi 8 con bò thịt, 1.000 con vịt, 1.000 con gà và hơn 100 con lợn. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp gia đình bà trả hết nợ vay và xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi.
Ông Lương Đình Luận (ở thôn Cầu Gạo, xã Tân Lập, huyện Sông Lô) là một trong những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Luận cho biết, sức khỏe ông không tốt, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên quanh năm chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cùng vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, năm 2015, ông Luận mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật. Lúc đầu, ông chỉ đầu tư nuôi 8 tổ ong. Nhờ chăm sóc tốt, đàn ong của ông Luận phát triển tốt, cho thu mật đều. Đến nay, đàn ong của gia đình ông lên tới 180 tổ, thu hơn 1.500 lít mật ong mỗi năm, thu nhập hơn 150 triệu đồng. Với nguồn thu ổn định, gia đình ông đã thoát nghèo và hiện là hộ có kinh tế khá giả tại địa phương.
Việc triển khai các nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Vĩnh Phúc đặt mục đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 0,5%, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về công tác giảm nghèo; huy động các nguồn lực, tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, quyết tâm “không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau”.