Cụ thể, UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu lãnh đạo các phường 9, 10, 11 phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt Đà Lạt – Trại Mát tổ chức triển khai giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông của tuyến đường sắt nêu trên. Trường hợp không phối hợp thực hiện, thực hiện không hiệu quả, chủ tịch UBND các phường 9, 10, 11 phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt.
Trước đó, Công ty cổ phần Đường sắt Thuận Hải (trụ sở ở Ninh Thuận, đơn vị quản lý tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) đã có công văn gửi UBND thành phố Đà Lạt hỗ trợ giải quyết các vi phạm liên quan đến tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát.
Cụ thể, theo đơn vị này, hiện nay trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát có một số vị trí bị hộ dân lấn chiếm sử dụng, cơi nới làm vườn hoặc dựng tường rào để bảo vệ vườn. Thậm chí một số hộ dân còn dẫn ống nước thải xả thẳng vào đường sắt, tập kết rác thải hai bên đường sắt gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đồng thời, khi công ty sử dụng phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt để trồng hoa tạo cảnh quan thì việc giải tỏa gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Công ty cổ phần Đường sắt Thuận Hải đề nghị cơ quan chức năng địa phương phối hợp tuyên truyền, giải toả các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát nhằm đảm bảo môi trường cảnh quan, thu hút du khách đến với tuyến đường sắt độc đáo này.
Tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát là phần còn lại của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nối Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Hiện nay tuyến đường sắt này còn khoảng 7 km, được khai thác du lịch theo mô hình xe lửa cổ, chở khách từ ga Đà Lạt (được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia) đến ga Trại Mát ở ngoại ô thành phố để tham quan với lượng khách khá đông.