Công trình trái phép ngang nhiên, tràn lan tại Đà Lạt

Tình trạng xây dựng nhà và các công trình trái phép (nhà lụi) mọc lên như “nấm sau mưa” và tồn tại ngang nhiên giữa lòng thành phố Đà Lạt trong suốt thời gian dài vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi: đó là do chính quyền địa phương không xử lý nổi vấn nạn này hay còn có lý do lợi ích nào khác?

Nhà lụi từ đất nông nghiệp vững như “kiềng ba chân”

Cuối tháng 5/2023, khảo sát 1 vòng trên địa bàn phường 8 và phường 10 của thành phố Đà Lạt, phóng viên vô cùng ngạc nhiên trước tình trạng xây dựng nhà “lụi” ngang nhiên trên địa bàn này. Hàng loạt công trình xây dựng không phép mà báo chí đã “điểm danh” trước đó, được lãnh đạo UBND tỉnh ra văn bản số 1414/UBND-XD ngày 10/3/2023, chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt tổ chức kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10/3/2023, đến nay vẫn còn nguyên như chưa hề vi phạm hoặc có chỉ đạo nào!

Chú thích ảnh
Dãy phố “lụi” mọc lên dưới mái nhà kính trên đường Trần Anh Tông.
 

Tại đường Trần Anh Tông, phóng viên chứng kiến cả 1 “dãy phố” với gần chục căn nhà xây dựng kiên cố với rào hoa sắt, cửa cuốn… nằm gọn dưới mái vòm các khu nhà kính vốn dựng lên chỉ để trồng rau, hoa. Con hẻm nối từ các căn nhà này ra đường Trần Anh Tông đã được đổ bê tông đẹp đẽ. Một số nền đất cạnh đó đã chia ô vuông vắn chờ khách tới mua. Các gia đình sinh sống tại “dãy phố” này vẫn vô tư sinh hoạt như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Ít ai biết rằng khu đất này hiện là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng nhà ở. Và các căn nhà trên từng “được” lập biên bản qua loa chứ chưa thấy có biện pháp nào xử lý triệt để.

Chú thích ảnh
 Những căn nhà kiên cố chờ lớp mái nhà kính bung ra sẽ hợp pháp hóa.

Tương tự như vậy, tại hẻm Tôn Thất Tùng khu vực lòng hồ Vạn Kiếp, hẻm Nguyên Tử Lực… hàng chục căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được xây dựng kiên cố, ẩn giấu trong lòng, vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong khi thời hạn mà lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho thành phố Đà Lạt xử lý vi phạm, báo cáo đã hết từ lâu.

Nhà lụi từ lấn chiếm đất công cũng bình yên vô sự

Một ví dụ điển hình cho sự ngang nhiên chiếm đất công để xây công trình trái phép, sau khi đã có chỉ đạo của tỉnh, thành nhưng tình trạng vẫn y nguyên, thậm chí còn được xây dựng kiên cố hơn đã được chúng tôi kiểm chứng như sau.

Chú thích ảnh
Những chủ nhà “lụi” vẫn sống bình yên như không có chuyện gì xảy ra.

Theo ông Lưu Văn Hải (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), ngày 6/1/2023 ông có đơn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt cùng các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Tin Tức, phản ánh sự việc ông thuê 1 mảnh đất nông nghiệp hợp pháp trên địa bàn phường 8, thành phố Đà Lạt để trồng rau, hoa màu. Sau đó, ông có dựng 1 căn chòi bằng tôn khung sắt có diện tích 7-8 m2 để làm nơi chứa công cụ sản xuất. Nhưng chỉ 15 ngày sau đó, ông Hải phát hiện căn chòi của mình đã bị UBND phường 8 cưỡng chế và tháo dỡ vắng mặt chủ, trong khi chưa hề thông báo cho chủ tài sản; chưa hề thực hiện các bước theo đúng quy trình của luật pháp quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính như lập Biên bản vi phạm, lập Hội đồng cưỡng chế, ra Quyết định cưỡng chế và gửi tới người vi phạm… Đáng nói hơn, ngay sau khi cưỡng chế căn chòi của ông Lưu Văn Hải được vài ngày, thì cách đó chỉ khoảng hơn 100m lại mọc lên 1 căn nhà gỗ lợp mái tôn với diện tích rộng gấp 3- 4 lần căn chòi của ông Hải. Căn nhà này cũng xây dựng hoàn toàn trái phép và nghiêm trọng hơn là xây dựng trên đất công sản do phường 8 quản lý, chứ không phải đất nông nghiệp đã cấp quyền sử dụng cho cá nhân như đất của ông Hải thuê. Ngoài ra, ông Hải còn tố giác chủ căn nhà trên là B.Q.L. sử dụng các vật liệu như tôn, sắt thép…tháo dỡ từ căn chòi bị giải tỏa của ông ra để ráp vào căn nhà “lụi” mới dựng kia. Trong khi lẽ ra tài sản cưỡng chế đó phải được đưa về nơi tập kết của phường 8 theo quy định. Nghiêm trọng hơn là căn nhà xây dựng trái phép này nằm trên đất công lấn chiếm.

Chú thích ảnh
Căn nhà lụi của ông B.Q.L. trước khi có đơn kiến nghị của ông Hải.

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của ông Hải, UBND tỉnh Lâm Đồng đã sớm có văn bản chỉ đạo Thành phố Đà Lạt kiểm tra, báo cáo về vụ việc. Ngày 31/3/2023 ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã ký văn bản số 1935/UBND-QLĐT, yêu cầu UBND phường 8 tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, báo cáo kết quả trước ngày 5/5/2023. Tuy nhiên cho đến nay, căn nhà này không hề được lập biên bản xử lý theo quy định, mà còn được tôn tạo to đẹp hơn!

Chú thích ảnh
Sau khi có đơn kiến nghị, căn nhà của ông B.Q.L. đã được phủ 1 lớp nhà kính bảo vệ cho đỡ lộ.

Ngày 2/6/2023, thực địa tại căn nhà “lụi” của ông B.Q.L theo đơn phản ánh trên, phóng viên chứng kiến công trình trên chưa hề bị xử lý, tháo dỡ, bất chấp lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt đã quyết liệt chỉ đạo UBND phường 8 thực hiện. Thậm chí, chủ nhà còn dựng 1 khung nhà kính lớn, bao chùm căn nhà “lụi”” bên trong như thách thức chính quyền?

Lâu nay, tại Đà Lạt không khó để mục sở thị các căn nhà, công trình trái phép “hồn nhiên”, bất chấp xây dựng, tồn tại như vậy. Chúng tôi đã được một số người dân cung cấp thông tin về mức giá để được bảo kê, bỏ qua đối với các loại “nhà lụi” và đây cũng là lý do chính khiến nhà lụi ngang nhiên tồn tại, bất chấp “lệnh chính quyền”.

Báo Tin tức - TTXVN sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin nhiều chiều về tình trạng này tại Đà Lạt và các tỉnh, thành khác, nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương xây dựng, kỷ cương thực hiện luật pháp, tình trạng trên bảo dưới không nghe và chống lại lợi ích nhóm, thậm chí là tham nhũng (nếu có).

Bài, ảnh: Viễn Phong
Phát hiện đối tượng cưa hạ trái phép cây cổ thụ tại Đà Lạt
Phát hiện đối tượng cưa hạ trái phép cây cổ thụ tại Đà Lạt

Ngày 19/5, Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đặng Hiệp (đăng ký thường trú tại đường Hà Huy Tập, Phường 3) 20 triệu đồng về hành vi tự ý cưa hạ một cây thông trong nội đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN