Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hoá diễn ra trong 5 ngày, từ 9/11 - 13/11, với các hoạt động chính, gồm: Trưng bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh; Lễ ký kết hợp đồng cung ứng – tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa; Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông và xây dựng thương hiệu nông sản…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông. lâm. thủy sản trong thời gian qua.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Tỉnh từng bước phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, đưa nông sản của Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ.
Chủ động hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Việc tổ chức Hội nghị là cơ hội cho các cơ sở sản xuất tiêu biểu trong và ngoài tỉnh có dịp giới thiệu sản phẩm chất lượng đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu nông sản của Thanh Hóa cũng như những thành tựu về phát triển nông nghiệp mà Thanh Hóa đã đạt được, góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn ở Thanh Hóa tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết 11 hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.
Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có 357 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao; trong đó khoảng 60% các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng mẫu mã đẹp, đủ điều kiện tiêu thụ vào các kênh bán lẻ hiện đại.
Tại Thanh Hóa đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, được nhân rộng và tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Hiện, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã kết nối tiêu thụ tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, như: sản phẩm của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm & TMDV Lê Gia, Công ty cổ phần Phong cách mới, Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nước mắm Ba Làng, Công ty cổ phần mắm Bạch Câu...
Trong hoạt động thương mại điện tử, tỉnh Thanh Hóa có hơn 340 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 500 sản phẩm. Sản lượng tiêu thụ qua các sàn chiếm 25 – 30% sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở.