Cây xanh bị gẫy đổ tại xã Như Quỳnh. Ảnh TTXVN phát
Ghi nhận tại đường Trần Phú, Lê Đại Hành, tỉnh Hưng Yên lúc 18h cùng ngày đã xuất hiện nước ngập cục bộ, phương tiện di chuyển khó khăn. Mực nước ngập khoảng 10 cm. Khi ngớt mưa, nước đã bắt đầu rút dần. Cuộc sống của người dân tại tuyến đường không bị xáo trộn nhiều.
Tương tự tại tuyến đường nội khu Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Như Quỳnh, xã Lạc Đạo có hiện tượng nước ngập xấp xỉ gạch bloc của đường, phương tiện xe máy di chuyển chậm, không có hiện tượng xe chết máy giữa đường do nước ngập. Một công nhân của khu công nghiệp cho biết từng chứng kiến cảnh mưa gây úng ngập đường nên đã có kinh nghiệm trong việc di chuyển từ nhà máy về nhà. Quá trình di chuyển qua khu nước ngập với xe máy cần phải đi chậm và giữ đều tay ga, sẽ hạn chế thấp nhật việc phương tiện bị chết máy giữa đường.
Do mưa lớn, kèm với gió mạnh, tại Trung tâm thương mại Như Quỳnh Center cũng đã xuất hiện một số cây xanh bị bật gốc, đổ nghiêng ra đường; biển hiệu quảng cáo của một số cửa hàng cũng bị rơi, bung bật.
Biển quảng cáo bị rơi, bung bật do mưa lớn tại địa bàn xã Như Quỳnh (Hưng Yên). Ảnh TTXVN phát
Theo phản ánh của người dân, tại khu vực phường Mỹ Hào gió lớn vào cuối chiều cùng ngày đã làm rơi một số biển quảng cáo trên tuyến đường, gây bị thương cho một người đi đường. Hiện nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện, bước đầu xác định bị xây xước nhẹ, không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trước việc mưa to, gió lớn có thể gây ảnh hưởng tới các phương tiện tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, các công trình thủy lợi, ngày 19/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã ra công điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, lưu ý các cơ quan liên quan rà soát phương án di dời lao động nuôi ngao, thủy hải sản, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người dân trong khu vực nguy hiểm. Kiểm tra rà soát phương án bảo vệ các công trình trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang triển khai thi công trên các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê cửa sông, đê biển. Nếu phát hiện công trình không đảm bảo an toàn phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Thông tin nhanh với TTXVN, ông Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, ngoài việc ra Công điện yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động ứng phó với cơn bão, dự kiến trong ngày 20/7, căn cứ vào tình hình mưa bão, tỉnh sẽ triệu tập các bên liên quan để triển khai các phương án phòng, chống bão.
Đường Trần Phú có hiện tượng ngập úng do mưa lớn. Ảnh Sơn Hải/TTXVN
Còn Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, tính đến 15 giờ ngày 19/7, trên địa bàn có 1.131 phương tiện với 3.188 lao động. Trong đó có 279 phương tiện với trên 860 lao động đang hoạt động ven biển Hưng Yên; 27 phương tiện với 179 lao động đang hoạt động trên vùng biển Hải Phòng, Ninh Bình. Còn lại 825 phương tiện với trên 2.100 lao động đang neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra có một số lao động và phương tiện tỉnh ngoài hiện đang neo đậu tại các bến tỉnh Hưng Yên. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn đang có mưa, lượng mưa và cường độ đã giảm hơn lúc cuối giờ chiều.