Khu lưu niệm Bác Hồ đặt tại xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về những lần Bác về thăm Thái Bình như bức thư Bác gửi đồng bào các xã, các huyện trong tỉnh vì nhân dân đã nỗ lực học tập, thoát nạn mù chữ; các bài báo nêu gương người tốt, việc tốt của cán bộ và nhân dân Thái Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và để lại bút tích chỉ đạo tặng thưởng Huy hiệu; các đồ dùng sinh hoạt Bác sử dụng trong căn nhà sơ tán của Tỉnh ủy Thái Bình; chiếc thuyền gỗ đưa Bác qua sông Trà Lý khi Người về thăm Thái Bình năm 1966… Đặc biệt trong khuôn viên Khu lưu niệm, căn nhà lá đơn sơ - nơi Bác đã từng làm việc và nghỉ lại ngày 31/12/1966 vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Xuân Kha, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư cho biết, năm 1966 - khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, song quân và dân Thái Bình đã đoàn kết, tích cực thi đua sản xuất, đạt 5 tấn thóc/ha, trong đó nổi bật có nhiều Hợp tác xã sản xuất giỏi của huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư). Để động viên phong trào cách mạng và biểu dương thành tích của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thái Bình. Chiều tối ngày 31/12/1966 tại nơi sơ tán của Tỉnh ủy Thái Bình ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, Người đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghỉ lại một đêm tại đây.
Sau khi Bác qua đời, nơi sơ tán của Tỉnh ủy được xây dựng thành Khu lưu niệm Bác Hồ và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân của xã Tân Hòa nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung, đồng thời là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật có giá trị thể hiện tình cảm của Bác với nhân dân Thái Bình cũng như Đảng bộ, nhân dân Thái Bình với Bác. Lời căn dặn của Bác trong buổi nói chuyện tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư ngày 1/1/1967 được treo ở vị trí trang trọng như nhắc nhở mỗi thế hệ về nỗ lực và trách nhiệm xây dựng quê hương: “Sản xuất và chiến đấu là hai mặt trận quan hệ rất mật thiết với nhau. Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sỹ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sỹ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất tốt để bộ đội và nhân dân ta ăn no, đánh thắng… Năm nọ Bác về thăm, cán bộ và đồng bào trong tỉnh đã hứa với Bác sẽ đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ. Bây giờ, Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.
Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư trở thành di tích ghi dấu Bác về thăm Thái Bình lần thứ năm. Tại đây, Bác đã có buổi nói chuyện với trên 100 cán bộ, đảng viên đại diện cho bốn vạn đảng viên và trên một triệu đồng bào trong tỉnh. Ngày nay, ngôi đình đã được trùng tu khang trang hơn, song những hình ảnh, câu chuyện khi Bác về thăm vẫn luôn khắc ghi trong mỗi đảng viên và nhân dân địa phương.
Là đảng viên có 55 năm tuổi Đảng, ông Phạm Đức Xừ (sinh năm 1938, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa) luôn nhớ mãi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Bình. Ông kể lại, năm 1967, ông đang công tác tại Đội kỹ thuật Hợp tác xã Hiệp Hòa. Được tin Bác về thăm và động viên phong trào sản xuất của địa phương, ông cũng như nhiều người dân trong xã đều háo hức, mong chờ để được gặp Bác. Trong ký ức của ông, với cương vị của một Chủ tịch nước nhưng Bác rất giản dị và gần gũi với nhân dân. Sau khi nói chuyện cùng các cán bộ, đại biểu, Bác ra trước sân đình và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
Cũng như ông Xừ, ông Bùi Đình Mậu (sinh năm 1943, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa) luôn dành tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông sưu tầm những bài báo, bài nói chuyện của Bác khi về thăm Thái Bình để phổ biến cho người dân địa phương cùng nghe, cùng hiểu và thêm kính yêu vị Cha già của dân tộc. Mặc dù gần 80 tuổi nhưng ông Mậu luôn tích cực tham gia trong nhiều hoạt động của địa phương, bởi với ông đó cũng là “học Bác và làm theo Bác”.
Khắc ghi lời Bác, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng và phát triển quê hương, từng bước hiện thực hóa lời Bác căn dặn năm xưa “làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Đến hết năm 2019, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đồng thời tiếp tục hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 song tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 và đứng thứ 14 trên cả nước về tốc độ tăng GRDP. Dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.