Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo, Hòa Bình là một trong 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 74,43% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình đã từng bước thay đổi tích cực.
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trang bị kiến thức cho hộ nghèo để biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.
Đồng thời, thông qua thực hiện các mô hình sản xuất chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đã làm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát triển; nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hóa mới được khuyến khích...
Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 8 xã khu vực III thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 còn 12,29%.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, tiếp tục tạo sinh kế phát triển bền vững, góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh và cả nước.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Về phía địa phương, sẽ huy động nguồn lực, có giải pháp hợp lý về vốn để tập trung đầu tư củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phát triển các sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch.
"Tỉnh kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình phát huy nội lực cùng cả nước; đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc của tỉnh", đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết.