Từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Hòa Bình, giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, khu vực.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chiếm trên 74% dân số. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo cho biết, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh có 52 xã khu vực I, 70 xã khu vực II, 88 xã khu vực III và 89 thôn, xóm đặc biệt khó khăn.
Tỉnh đã huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các tổ chức hợp pháp khác để đầu tư, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội 36 xóm đặc biệt khó khăn nhất tỉnh và Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông tại hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Đến nay, tỉnh đã đưa các xóm, xã đặc biệt khó khăn thuộc đề án và dự án trên vươn lên đạt mức bình quân chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hòa Bình thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách; đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, đến hết năm 2022, hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 13,11%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số năm 2021 là 6,89%, năm 2022 là 2,93%. Đến nay, các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trường, lớp học kiên cố đạt 97,89%; hầu hết các hộ vùng dân tộc thiểu số có nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn được trang bị, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động đã góp phần đẩy lùi tai nạn, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hòa Bình đang tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Các cấp, ngành tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai hiệu quả đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Tỉnh tiếp tục tham mưu đầu tư, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đầu tư, củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt, chợ, nhằm phục vụ dân sinh; cải thiện điều kiện sinh kế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế.
Địa phương tiếp tục phối hợp tham mưu đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; hỗ trợ giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; quảng bá các loại hình du lịch bản địa, sản phẩm văn hóa truyền thống; quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội.
Tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tội phạm, giữ gìn và đảm bảo an ninh – quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài nguồn vốn được phân bổ thực hiện, địa phương huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn...; hướng tới mục tiêu củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.