Hòa Bình cần tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân dự án đầu tư công

Hòa Bình cần tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sỹ, người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020). 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hòa Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng. Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng, là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô. Do đó, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng về con người, vị trí địa lý, là điều kiện thuận lợi để Hòa Bình phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả khá tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng cao. Tỉnh đã tái cơ cấu mạnh mẽ, tăng trưởng các sản phẩm mang lại giá trị cao, đưa Hòa Bình vào nhóm phát triển dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng quan tâm đời sống người dân, giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa đặc sắc.

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy được quan tâm xây dựng, kiện toàn, giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. An ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, tỉnh Hòa Bình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được mong muốn; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn. "Nguyên nhân lớn nhất là nút thắt về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cả giao thông đối nội và đối ngoại, khiến năng lực cạnh tranh của tỉnh bị ảnh hưởng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Do đó, tỉnh cần tập trung lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; từ đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Trước mắt cần tập trung rà soát, bổ sung, cập nhật các Quy hoạch hiện hành, trong đó nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới. Quy hoạch và mở rộng thành phố Hòa Bình trở thành thành phố công nghiệp, du lịch, thương mại để Hòa Bình trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc. 

Trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tỉnh Hòa Bình tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động quỹ đất cho phát triển và thu hút đầu tư; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, công tác xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không làm theo phong trào; phải lấy trọng tâm là phát triển kinh tế nông thôn, cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự.

Về những kiến nghị của tỉnh Hòa Bình liên quan đến các dự án, chương trình như: Đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước của Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; tuyến đường vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng hồ Sông Đà giai đoạn 2009 - 2020... Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các kiến nghị tỉnh Hòa Bình; đồng thời trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố (sinh năm 1926, xóm Máy, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) có 2 con liệt sỹ; thương binh Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1947, tổ 9, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hòa Bình.

Xuân Tùng - Thanh Hải (TTXVN)
Hòa Bình cần đặt vấn đề an ninh nguồn nước là nhiệm vụ trọng tâm 
Hòa Bình cần đặt vấn đề an ninh nguồn nước là nhiệm vụ trọng tâm 

Ngày 20/7, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Hòa Bình nhằm giám sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN