Để duy trì, phát triển nghề truyền thống nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phát triển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tính chất, quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã và đang gặp không ít khó khăn, cần đến sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Cơ sở sản xuất trống của gia đình anh Phạm Chí Cường (thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) đang giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động. Những năm trở lại đây, sản xuất trống duy trì tốt do có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và Hiệp hội làng nghề. Với anh Cường, dù nhà xưởng được xây dựng hơn 400 mét vuông, nhưng nằm trong khu dân cư, nên anh mong muốn sớm được di chuyển đến khu sản xuất tập trung.
"Những hộ sản xuất nghề trống như gia đình tôi sớm được bố trí nơi sản xuất tập trung xa khu dân cư để không gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí đến bà con làng xóm. Vì hiện nay, chúng tôi sản xuất chưa hết công suất của mình", anh Cường mong muốn.
Làng nghề truyền thống trống Đọi Tam, thị xã Duy Tiên từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước. Để duy trì và phát triển nghề trước những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, các cơ sở sản xuất đã đưa máy móc, công nghệ mới, hiện đại vào quá trình sản xuất để giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở cũng đã sản xuất những sản phẩm mới dựa trên cách thức từ nghề trống như: thùng đựng rượu, bồn tắm gỗ, bồn xông hơi, chậu ngâm chân…
Một số cơ sở đã chuyển đổi thành doanh nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm; bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, facebook, zalo, tik tok... Mỗi năm, doanh thu từ làng nghề đạt hơn 250 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Ông Trần Kim Công, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, để bảo tồn và phát triển làng nghề cha ông để lại, UBND xã cũng đã nhiều lần đề xuất lên UBND huyện để xây dựng kế hoạch, quy hoạch tập trung các hộ gia đình đang sản xuất nhỏ, lẻ trong thôn, xóm tới một địa điểm tập trung mới. Như vậy sẽ không gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của nhân dân và có thể duy trì, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Tương tự, nhiều hộ sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên cũng đang găp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điểm chung của các hộ sản xuất này đều nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẹp trong khu dân cư; thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là thiếu đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch gắn với sản phẩm làng nghề.
Vì vậy, các cơ sở, doanh nghiệp của làng nghề lụa Nha Xá mong muốn được chính quyền quan tâm, hỗ trợ hộ sản xuất và kinh doanh trong ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế địa phương. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Phạm Văn Thực, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên cho hay, gia đình lâu nay chỉ sản xuất nhỏ, buôn bán kiểu truyền thống nên chưa quảng bá rộng rãi sản phẩm tới người tiêu dùng. Vì vậy, khi được các cấp, các ngành tại địa phương hỗ trợ giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… đã được rất nhiều khách hàng quan tâm, tìm đặt mua. Hiện nay, hơn 90% doanh thu từ sản phẩm làng nghề của gia đình ông qua bán hàng online, trực tuyến.
Tỉnh Hà Nam hiện có 58 làng nghề được công nhận đang hoạt động (32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề), giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động. Để phát triển sản xuất, kinh doanh, các cơ sở làng nghề đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Một số làng nghề truyền thống cũng đã nhạy bén, gắn sản xuất với phát triển du lịch như: làng nghề truyền thống dệt Nha Xá (thị xã Duy Tiên), làng nghề trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi (huyện Thanh Liêm), làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành (huyện Kim Bảng)… Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề luôn đi đầu trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, đưa máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; bảo tồn giá trị vật thể và phi vật thể của các làng nghề, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với làng nghề, nên các cơ sở, doanh nghiêp làng nghề quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, trình độ quản lý còn hạn chế; việc liên kết sản xuất chưa được quan tâm, lao động ít qua đào tạo, chưa quen tác phong công nghiệp.... Vì vậy, việc hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề hiện nay không chỉ đơn thuần là hỗ trợ những gì chính quyền địa phương, ngành chức năng có mà cần nắm bắt để hỗ trợ những gì cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cần.
Vì vậy, các hộ kinh doanh đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng phối hợp nghiên cứu để đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề ổn định sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết, để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, nắm bắt nguyện vọng họ cần gì, khó khăn gì để cùng tháo gỡ. Ngoài ra, UBND xã sẵn sàng mở những lớp đào tạo nghề cho con em trên địa bàn để có những người thợ có trình độ để sản xuất. Đặc biệt đào tạo các cơ sở, chủ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xúc tiến giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Để hỗ trợ các làng nghề duy trì và phát triển, thời gian tới, tỉnh Hà Nam tập trung hỗ trợ các cơ sở, làng nghề có tiềm năng, thế mạnh; khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng tập trung xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: dệt Nha Xá, trống Đọi Tam, rũa Đại Phu…