Tại các địa phương, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Vượt khó vươn lên
Quảng Trị là tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, thách thức khi bắt đầu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn 10 năm triển khai, Đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh luôn quyết tâm, nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực. Nhờ đó, diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn. Đến nay, tỉnh có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Cam Lộ đạt chuẩn năm 2019); 69/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 68,3%), trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân tiêu chí đạt toàn tỉnh là 14,58 tiêu chí/xã.
Ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho biết, đến hết năm 2023, địa phương sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hai huyện (Hải Lăng, Triệu Phong) đạt chuẩn huyện nông thôn mới; huyện Cam Lộ cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Để đạt được kết quả này, các huyện, thị xã và các xã đã phát động thi đua bằng nhiều phong trào, mô hình sáng tạo, đa dạng và hiệu quả đến tận cơ sở. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tạo nên những miền quê đáng sống, đổi mới, tiến bộ cả trong nếp nghĩ, cách làm. Những con đường hoa rực rỡ, bê tông trải dài, sạch sẽ, những công trình công cộng được đầu tư khang trang, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc... là kết quả của sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, một huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 81/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tập trung nhiều giải pháp trọng tâm
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết thêm, một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương là Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao cả về chất và lượng với nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực và thời gian để hoàn thiện. Do vậy, các địa phương còn lúng túng trong đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí do thiếu cơ sở. Đặc biệt, hiện nay trong số 69 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ còn 21 xã duy trì 19 tiêu chí.
“Giai đoạn 2024 - 2025, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới chủ yếu là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; một số tiêu chí cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, các xã trên địa bàn tỉnh đều có xuất phát điểm thấp, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ. Nguồn lực huy động tại chỗ ở một số xã gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của nhân dân. Do đó, rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra”- ông Trần Trọng Tuấn chia sẻ.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; hoàn thành xây dựng quy hoạch chung các xã, vùng, huyện phù hợp với quy hoạch của tỉnh, ngành, quốc gia, gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương. Tỉnh tăng cường, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn, bản nông thôn mới, mô hình xã, thôn nông thôn mới thông minh, tạo dựng hình ảnh của những miền quê đáng sống, gắn với phát triển du lịch nông thôn; đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả với các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực hàng năm cho các địa phương; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, đơn vị làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới.
Quảng Trị đã có quyết định phân công 34 đơn vị là các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhận đỡ đầu, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn cần tổ chức rà soát, đánh giá chi tiết hiện trạng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, giải pháp, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Các xã còn lại tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt, một số xã đã đạt chuẩn nhưng bị sụt giảm tiêu chí cần tập trung khắc phục nhằm đảm bảo đạt đầy đủ 19 tiêu chí theo quy định.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung huy động nhiều nguồn lực; trong đó, ngân sách Trung ương bố trí là 403 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 391 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Quảng Trị đã huy động được 114 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác; huy động được 217 tỷ đồng vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư tập trung vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.