Hậu Giang cần thực hiện tốt các chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Chiều 14/9, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương và đề xuất, kiến nghị của địa phương đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác nghe Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương; việc triển khai chính sách hỗ trợ của địa phương theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, Đoàn công tác được nghe đánh giá về hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đánh giá về tính liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị của địa phương đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, kinh tế của tỉnh đã cơ bản phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, công nghiệp tăng trưởng cao, nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc, thu ngân sách nhà nước đạt cao so với dự toán; lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo; một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử bước đầu có kết quả tích cực; quốc phòng tiếp tục được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Sơn, cơ cấu kinh tế của Hậu Giang chuyển dịch còn chậm; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thấp; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tỷ trọng công nghiệp thấp, chưa có ngành công nghiệp chủ lực; cơ cấu nguồn thu còn chưa hợp lý, chưa bền vững; chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các Nghị quyết của Quốc hội về triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh đẩy nhanh, hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế; khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành quy hoạch tỉnh đúng tiến độ được giao. Hậu Giang xây dựng các đề án, dự án cụ thể, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...

Đoàn công tác cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và các đóng góp, kiến nghị đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, Đoàn đã khảo sát thực tế tại một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh.

Bài, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hợp tác xã
Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hợp tác xã

Sóc Trăng hiện đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác… và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn, giúp tăng thu nhập cho chủ thể, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN