Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức mong muốn các hợp tác xã thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về tình hình hiện trạng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Việc hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể phát triển, nêu lên những tồn tại hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm, những đề xuất kiến nghị cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là các thành viên đại diện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đưa ra những ý kiến, đề xuất, định hướng cho sự phát triển của tổ chức này. Hội nghị này cũng nhằm thảo luận, trao đổi, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có 189 hợp tác xã nông nghiệp,trong đó 11 hợp tác xã ngưng hoạt động; tổng vốn điều lệ hơn 499 tỷ đồng, bình quân 2,6 tỷ/hợp tác xã; tổng số 3.898 thành viên, bình quân 20,6 thành viên/ hợp tác xã .
Cụ thể, hợp tác xã có số lượng dưới 10 thành viên chiếm 40%. Có 105 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực trồng trọt, chiếm 54,8%. Có 18 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 9,6%. Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã trên 4.000 ha, chủ yếu thuộc sở hữu của hộ thành viên, một số ít diện tích nuôi thủy sản được nhà nước giao quản lý khai thác. Có 60 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, chiếm 31,1%, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, thường không trực tiếp tổ chức sản xuất, chủ yếu hoạt động thương mại mua bán vật tư nông nghiệp và nông sản.
Tổng số cán bộ quản trị hợp tác xã nông nghiệp là 589 người (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc) trong đó số cán bộ trình độ cao đẳng, đại học 156 người, chiếm 26 %; trình độ trung cấp, sơ cấp 284 người,chiếm 48%, còn lại chưa qua đào tạo.
Về câu lạc bộ, tổ hợp tác có 1.002 với 33.736 thành viên và 37.767 lao động. Trong đó lĩnh vực trồng trọt 656 tổ hợp tác, chiếm 66%, trong đó chăn nuôi có 248 tổ hợp tác, chiếm 25%, thủy sản 34 tổ hợp tác, chiếm 3%, dịch vụ tổng hợp 64 tổ hợp tác, chiếm 6%. Tổng diện tích đất sản xuất của các câu lạc bộ, tổ hợp tác là 23.715 ha.
Hiện nay có 60 hợp tác xã, 24 tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, điển hình như hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát liên kết Công ty De-Heus cung cấp thức ăn, sản xuất giống, thuốc thú y, xử lý phân. Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek, hàng năm sản xuất và tiêu thụ 7,5 triệu con gà thịt. Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ An Viễn liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Bamboo Agriculture trồng và tiêu thụ ca cao với quy mô 600 ha. Hộp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Ca cao Suối Cát, Tổ hợp tác Ca cao xã Trung Hòa liên kết sản xuất tiêu thụ ca cao với Công ty trách nhiệm hữu hạn Ca cao Trọng Đức với diện tích 150 ha. Hợp tác xã liên kết sản xuất nông sản sạch Thanh Bình liên kết với nông dân sản xuất chuối già lùn Nam Mỹ với quy mô trên 300 ha phục vụ xuất khẩu qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Maldives, Thỗ Nhĩ Kỳ.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các hợp tác xã và tổ hợp tác đã đánh giá cao về các mặt đạt được của hợp tác xã nông nghiệp, đó là hợp tác xã nông nghiệp đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, bình quân hàng năm đã phát triển thêm 10 hợp tác xã xã nông nghiệp, gần 50% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; bộ phận lớn hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, làm giảm chi phí giá thành và ổn định tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các hoạt động dịch vụ, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế hộ thành viên, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển; vai trò của hợp tác xã nông nghiệp đối với kinh tế hộ càng rõ hơn khi sản xuất gặp khó khăn như, dịch bệnh, thiên tai.
Hợp tác xã còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ; thông qua hợp tác xã tập trung được khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu thụ, đạt được chứng nhận các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, bao bì mẫu mã sản phẩm được cải tiến và hoàn thiện.
Ngoài việc đánh giá về ưu điểm đạt được của các hợp tác xã nông nghiệp, một số đại biểu đại diện cho hợp tác xã, tổ hợp tác còn chỉ ra một số mặt hạn chế, tồn tại như hợp tác xã phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác, tổ hợp tác còn thấp một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít. Tính Liên kết thành viên trong hợp tác xã còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; đóng góp cho phát triển nền kinh tế-xã hội còn hạn chế; đang có những tồn tại, bất cập cần được quan tâm, giải quyết.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, quan điểm của đảng và nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đã được khẳng định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, từ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể, không phụ thuộc vào vốn góp, phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Về các giải pháp trước mắt và lâu dài, các đại biểu tham gia dự hội nghị đã thống nhất một số các giải pháp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế tập thể nghiên cứu vận dụng vào điều kiện thực tiễn đưa kinh tế tập thể phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư, Liên minh hợp tác xã tỉnh Đồng Nai tiếp tục tham mưu triển khai Nghị Quyết 20- NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, sớm đưa tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn công tác xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, cần nhanh chóng rà soát cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn đến năm 2025.