Chúc mừng những thành tựu Tứ Kỳ đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị huyện cần phải trở thành vùng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và chất lượng, hiệu quả trong định hướng phát triển của tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Tỉnh Hải Dương đã xác định sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng đa giá trị và với Tứ Kỳ, nông nghiệp phải được xem là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đánh giá với những tiềm năng, lợi thế của mình, Tứ Kỳ đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị huyện phải tận dụng thời cơ, thuận lợi riêng có để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, hình thành các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung, chất lượng cao, sản xuất hữu cơ. Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cho rằng giai đoạn vừa qua, tiêu chí nâng cao thu nhập người dân chưa được như mong muốn, quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra tự phát, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị trong thời gian tới, Tứ Kỳ cần tập trung tổ chức sản xuất, quản lý quy hoạch, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập người dân để chất lượng cuộc sống người dân nông thôn tiệm cận với đô thị.
Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội để doanh nghiệp, người dân tiếp tục chung tay, góp sức xây dựng thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; khắc phục ô nhiễm môi trường; quy hoạch xây dựng cảnh quan nông thôn, sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống để Tứ Kỳ trở thành một miền quê đáng sống.
Ngoài ra, huyện cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án đề ra; chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp; làm tốt giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tạo sự đột phá về năng suất giá trị và tạo việc làm cho người dân...
Từ một huyện thuần nông có xuất phát điểm rất thấp, tiêu chí nông thôn mới của các xã bình quân chỉ đạt 5,3 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người chỉ 13,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 14,9%, đến nay sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện Tứ Kỳ đã thay đổi vượt bậc.
Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ cho biết: Toàn huyện có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư với 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% đường trục chính ra đồng được bê tông hóa, cứng hóa.
Lĩnh vực giáo dục, có 55/73 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 3/4 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng; 100% số xã, số thôn có nhà văn hóa và các công trình phụ trợ, trang thiết bị thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Đặc biệt, Tứ Kỳ đang là huyện đi đầu trong tỉnh về nông nghiệp hữu cơ cả về quy mô và diện tích. Huyện có 6 vùng sản xuất hữu cơ với tổng diện tích 238ha. Diện tích nhà màng, nhà lưới đạt 13.800m2. Tứ Kỳ đã xây dựng được160 vùng lúa tập trung, 65 vùng chuyên canh rau màu; 66 vùng sản xuất thủy sản tập trung với diện tích 1.300ha và có trên 200ha ao nổi. Huyện có 8 xã dọc triền đê sông Thái Bình và sông Luộc đang canh tác rươi, cáy kết hợp trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Chăn nuôi gia cầm của huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh… Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tứ Kỳ bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tứ Kỳ hiện có 3 cụm công nghiệp và các điểm tiểu thủ công nghiệp với 568 doanh nghiệp, 11 làng nghề tạo việc làm cho trên 25.000 lao động, thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, tỷ trọng nông nghiệp – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ tương ứng: 24%-30,8% - 45,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,29 triệu đồng/năm, tăng gần 4 lần so với thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.
Tứ Kỳ đặt mục tiêu thời gian tới tiếp tục củng cố các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được. Huyện phấn đấu năm 2025, sẽ có 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và thu nhập đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã trao Bằng công nhận Huyện Tứ Kỳ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng đã trao Huân chương Lao động Hạng ba của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tứ Kỳ vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Tứ Kỳ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Cũng dịp này, các cá nhân ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ và bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ được nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước tặng vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Tứ Kỳ nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.