Hải Dương: Thích ứng linh hoạt, quyết tâm tăng trưởng bứt phá trong năm 2022

Đây là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương trong năm 2022, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, tổ chức trong 2 ngày 2 và 3/12 tại thành phố Hải Dương.

Chú thích ảnh
 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu tại hội nghị. 

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương tỉnh Hải Dương và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; phương án quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và Quy định hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2023-2025.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022; kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định, trong năm 2021, tỉnh đã đặt được nền tảng cho sự phát triển của những năm tiếp theo như: hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung của vùng huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050; nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tạo nên động lực tăng trưởng mạnh mẽ; triển khai một loạt các công trình về hạ tầng giao thông trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công; các dự án lớn về đô thị từ nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là chuẩn bị triển khai xây dựng thêm 2 nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để thích ứng linh hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Từng địa phương từ cấp huyện cho tới các thôn, khu dân cư chủ động quyết định và tự chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; tập trung bao phủ vaccine phòng COVID-19 với tỷ lệ cao trên 80%. Hải Dương cũng sẽ linh hoạt trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoạt động giáo dục và đào tạo, các hoạt động xã hội trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh.

Để tạo bước phát triển bứt phá, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ông Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, rút ngắn thời gian đáng kể thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư so với quy định của pháp luật và so với thời gian thực tế hiện nay.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, đánh giá tình hình nợ xây dựng cơ bản 3 cấp ngân sách để ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm; bố trí vốn đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp đảm bảo hiệu quả.

Đối với các công trình, dự án mới, cần tập trung vốn các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; các công trình trọng điểm phát sinh khi xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, các công trình kết nối liên thông, liên vùng tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế; hạn chế tối đa các công trình giao thông nhỏ lẻ, nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc…

Tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh xây dựng hạ tầng cho 6 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2.400ha và tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới từ nguồn vốn của doanh nghiệp để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách; tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh sẽ tận thu tối đa về dư địa của các nguồn thu, nhất là nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá quyền khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp…; chống thất thu trong các doanh nghiệp; các hộ kinh doanh cá thể.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với việc ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025; trong đó, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách phải đảm bảo phù hợp với tình hình cân đối thu, chi ngân sách giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2025, vừa đảm bảo tính chủ động cho ngân sách cấp huyện, xã vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong việc điều hành nhiệm vụ thu chi, góp phần mục tiêu chung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Trong năm 2022, Hải Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho các mục tiêu phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng giao thông; các khu, cụm công nghiệp; các khu đô thị, khu dân cư. Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ tạo điều kiện khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương ít nhất mỗi năm phải tổ chức 2 lần gặp gỡ, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2022, Hải Dương cũng ứng dụng sâu rộng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để thúc đấy phát triển. Trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số cho việc xúc tiến thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhất là trong đợt thứ 3, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương từ tăng trưởng âm trong quý I, chỉ đạt 3,9% trong quý II, tỉnh đã vượt khó, vươn lên, ước đạt 8,6% cả năm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/14 chỉ tiêu.

Trong năm, tỉnh tập trung triển khai lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; hoàn thiện thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp; triển khai nghiên cứu phương án Quy hoạch vùng công nghiệp động lực (khu kinh tế chuyên biệt) trên địa bàn huyện Thanh Miện - Bình Giang, diện tích khoảng 9.230 ha. Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (178/178 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và 12/12 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới). Thu ngân sách ước đạt trên 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch, tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2020…

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Hải Dương đảm bảo thu, chi, phân bổ ngân sách trong năm 2022
Hải Dương đảm bảo thu, chi, phân bổ ngân sách trong năm 2022

Sáng 30/11, Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Tài chính về thực hiện thu, chi ngân sách, phân bổ ngân sách địa phương năm 2022; kế hoạch tài chính 3 năm 2022-2024; ban hành Nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2023-2025; quy định hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN