Bà con Xơ Đăng tại làng Ty Tu (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng
Đối với phần lớn người Xơ Đăng tại làng Ty Tu (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cuộc sống của họ đã gắn bó với rừng từ lúc sinh ra và lớn lên. Vì vậy, người dân nơi đây tin rằng rừng chính là lẽ sống, linh hồn của làng nên ra sức bảo vệ. Với chính sách giao khoán và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng người Xơ Đăng đã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước ổn định cuộc sống.
Thấu hiểu nỗi đau mất rừng
Làng Ty Tu hiện có 80 hộ với 495 nhân khẩu là người Xơ Đăng đang sinh sống. Trước đây, ngôi làng được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngát, còn hoang sơ và chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Qua thời gian, người dân bắt đầu khai hoang, phát rừng để làm nương rẫy nên mất dần những cánh rừng già. Đây cũng là tiền đề khiến những trận lũ lụt kéo về làng ngày một nhiều hơn, nhất là trận lũ năm 2009 đã mang lại mất mát lớn cho bà con nơi đây.
Ông A Dao (61 tuổi, làng Ty Tu) cho biết, sau những mất mát, đau thương khi không còn rừng, người dân đã dần thấu hiểu những lợi ích mà rừng mang lại. Giờ đây, dân làng xem những cánh rừng tại địa phương như là nguồn sống của cộng đồng nên ra sức cùng nhau bảo vệ để giúp con cháu sau này có thể được hưởng lợi hơn từ rừng.
Năm 2023, Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) tiến hành giao khoán hơn 190 ha rừng cho cộng đồng làng Ty Tu bảo vệ. Bà con nơi đây đã thành lập các tổ tuần tra với 25 người, mỗi tháng một tổ đi tuần tra rừng 2 lần, một lần đi thì chia thành hai đoàn đi theo hai hướng khác nhau.
Ông A Phết (làng Ty Tu) chia sẻ, việc tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được bà con triển khai đều đặn, thường xuyên, đặc biệt là vào mùa khô, khi nhiều khu vực có nguy cơ cháy rất cao. Nếu phát hiện những đối tượng khả nghi hoặc phát hiện tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tổ tuần tra sẽ lập tức báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý, quyết tâm không để ai phá rừng.
Nhờ hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên hơn 190 ha rừng giao cho cộng đồng thôn Ty Tu luôn xanh tốt
Giữ rừng, tăng thu nhập cho cộng đồng làng
Thông qua hơn 190 ha rừng được giao khoán quản lý bảo vệ, dân làng Ty Tu hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 76 triệu đồng/năm. Số tiền này được cộng đồng làng trích một phần tiền công cho những người tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, số tiền còn lại được xung quỹ để sử dụng vào những hoạt động chung của cả làng.
Ông Vi Văn Chồm – Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Ty Tu cho biết, khi nhận được số tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng làng sẽ thông báo công khai và tiến hành trả công cho những người tham gia bảo vệ rừng theo số ngày công đã được chấm. Trừ đi số tiền công, làng sẽ giữ lại khoảng 20 triệu đồng để làm quỹ phục vụ cho những hoạt động chung. Đối với những trường hợp không tham gia tuần tra, bảo vệ hoặc làm mất rừng, làng sẽ phạt tiền công và tiến hành xung quỹ.
Nhờ rừng, người Xơ Đăng đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương. Trong đó, số tiền quỹ sẽ được cộng đồng làng dùng vào những việc như xây dựng đường, chi trẻ tiền điện, tổ chức lễ hội hoặc cho các hộ khó khăn vay vốn không tính lãi…
Cùng đó, với sự chung tay của toàn dân, hơn 190 ha rừng nguyên sinh tại làng Ty Tu đã được giữ gìn nguyên vẹn, nên hệ sinh thái động thực vật nơi đây vẫn còn hiệu hữu với đa dạng giống loài như lợn rừng, chim, dúi và sâm dây, đương quy.
Anh A Vông (làng Ty Tu) chia sẻ, trong quá trình đi bảo vệ rừng, anh thường phát hiện những củ sâm dây, đương quy và mật ông rừng. Kết hợp số tiền công và việc khai thác các lâm sản phụ từ rừng, bình quân mỗi tháng anh thu nhập khoảng 4 triệu đồng đủ để trang trải cuộc sống.
Thấy được những lợi ích mà rừng mang lại, người Xơ Đăng tại làng Ty Tu đã không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Thay vào đó, người dân đã nâng cao ý thức và cùng nhau trồng thêm rừng với hi vọng mở rộng được diện tích “lá phổi xanh”, tiếp tục được hưởng thêm nhiều lợi ích từ rừng.
Riêng tại làng Ty Tu, từ năm 2021 đến nay, người dân đã trồng được hơn 75 ha rừng gồm các loại cây như thông, sơn tra, mắc ca. Trong đó, có 29,39 ha được trồng mới từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ; 45,8 ha rừng trồng mới được người dân tự mua trồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà hỗ trợ 2.000 cây thông trồng phân tán dọc tuyến đường chính của làng và đường đi khu sản xuất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà, ông Dương Thái Khoa khẳng định, việc giao khoán diện tích rừng cho bà con bảo vệ chăm sóc thực hiện bài bản, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, trên địa bàn không còn tình trạng phá rừng, bà con ý thức được rằng việc giữ rừng sẽ mang lại nguồn nước phục vụ sản xuất, có thêm thu nhập, nhất là tránh nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất.
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum Hồ Thanh Hoàng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh để tiếp chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt được hiệu quả, ngày càng đi sâu vào đời sống của người dân.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum còn phối hợp chặt chẽ với các Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và xác định diện tích rừng được chi trả cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hiệu quả. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư phát triển sinh kế, nâng cao đời sống, xây dựng khu dân cư sinh ngày càng giàu mạnh./.