Lấy dân làm gốc, đoàn kết là sức mạnh
Với tỉnh Yên Bái, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ xuyên suốt và mục tiêu phấn đấu không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác "lấy dân làm gốc", tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã làm tốt công tác dân vận, lấy sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân là thước đo trong từng việc làm cụ thể.
Nhấn mạnh bài học của Bác về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn cho biết, chuyến thăm và lời dạy của Người 65 năm về trước là kỷ niệm thiêng liêng, tài sản tinh thần vô giá đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thực hiện lời Bác dạy, toàn tỉnh đã tăng cường xây dựng và phát huy hiệu quả và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt đoàn kết chặt chẽ trong Đảng để làm gương, đoàn kết mật thiết giữa Đảng với nhân dân để dân tin và đi theo Đảng; thực hiện đoàn kết nội bộ nhân dân, đoàn kết lương giáo, quân dân để tạo sức mạnh ổn định và phát triển.
Xác định lấy dân làm gốc, chăm lo cho dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là vấn đề cốt lõi trong mọi chủ trương, chính sách và hành động cụ thể, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước mạnh dạn đưa Chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu nghị quyết. Qua nửa nhiệm kỳ Đại hội đã xác định, mục tiêu này là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2022, Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, vượt mục tiêu đề ra; trong đó, tiêu biểu là các mô hình Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc. Toàn tỉnh có gần 300 trường đạt tiêu chí trường học hạnh phúc.
Một trong những nội dung trọng tâm được Đảng bộ tỉnh lựa chọn đó là gần dân, lắng nghe dân. Theo đó, những buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp ngành, địa phương với cán bộ, nhân dân thường xuyên được tổ chức. Việc phân công các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên các cấp dự sinh hoạt với Chi bộ khu dân cư và Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở được thực hiện nghiêm túc.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm, thực hiện chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân”, việc cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện xuống cùng dân lao động sản xuất, dự sinh hoạt Chi bộ vào ngày cuối tuần đã thành nền nếp, qua đó tạo được sự gắn bó chặt chẽ, thân thiết, gần gũi với nhân dân. Sự lan tỏa của "Ngày cuối tuần cùng dân" ở địa phương đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Từ sự sâu sát, gần gũi của chính quyền với người dân, nhiều vấn đề khó, vướng mắc, tồn đọng, bức xúc ở cơ sở đã được tháo gỡ, giải quyết; cán bộ và nhân dân trong tỉnh có thêm cơ hội được thông tin, tuyên truyền, nắm rõ hơn chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng, giải pháp của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Đỗ Quang Trung, Bí thư Chi bộ 14, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhận xét, các đồng chí lãnh đạo tỉnh có tác phong làm việc thực sự đổi mới, gần dân, sâu sát cơ sở. Có những buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ 14, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp dự. Được nghe người đứng đầu Đảng bộ thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các đảng viên trong Chi bộ còn được đóng góp trực tiếp những ý kiến, đề xuất tâm huyết với Bí thư Tỉnh ủy.
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới
Ngày về thăm tỉnh Yên Bái, nói chuyện với nhân dân các dân tộc, Bác Hồ có mong muốn phải làm thế nào để đời sống nhân dân được tốt hơn, được ăn no mặc ấm. Hiện thực hóa mong muốn của Người, ngay từ khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991) đến nay, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Diện mạo kinh tế - xã hội từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay, khởi sắc.
Xuất phát từ một tỉnh miền núi nghèo, Yên Bái hôm nay đã trở thành điểm sáng của cả vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới với 99 xã được công nhận đạt chuẩn, chiếm 66% tổng số xã toàn tỉnh; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó Trấn Yên vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc.
Nổi bật trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là thôn Khuôn Bổ (xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên) - thôn người Mông đầu tiên của tỉnh đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tích này có được là nhờ quá trình phấn đấu bền bỉ, sáng tạo trong học và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn. Từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn, không điện, không đường, không nhà kiên cố, không nước sạch…, nhất là không có Chi bộ Đảng, Khuôn Bổ đã trải qua một hành trình vất vả hơn 20 năm để hiện thực hóa khát vọng mang lại cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Đến nay, cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư khang trang; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng. Đây cũng là thôn tiêu biểu trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận.
Ấn tượng với quá trình xây dựng nông thôn mới của thôn Khuôn Bổ, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, khi ông về thôn Khuôn Bổ năm 2018, địa phương còn rất khó khăn. Đến nay, diện mạo thôn đã thay đổi hoàn toàn, các đồi núi trống đã được phủ xanh các loại cây trồng có giá trị kinh tế, đời sống người dân ngày càng khá hơn. Đây là thôn người Mông đầu tiên trong tỉnh được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu và xứng đáng là điểm sáng để các thôn khác học tập, làm theo.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn toàn tỉnh đã cơ bản được kết nối, 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông đi lại được cả 4 mùa, nhiều thôn xóm có đường bê tông sạch, đẹp đến tận nhà dân. Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã thực sự lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà, từng vùng và trong mọi tầng lớp nhân dân. Thành quả này là nhờ các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác trong việc nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo", góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bà Tráng Thị Nhà, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, thôn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bà con. Chi bộ thôn đã đưa vào nghị quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông nông thôn. Quá trình triển khai, địa phương đã xây dựng được tất cả tuyến đường vào các ngõ, xóm. Một số gia đình trong thôn đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn.
Xây dựng quê hương “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”
Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh theo hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đây là mục tiêu quan trọng của cả nhiệm kỳ được tỉnh kiên trì thực hiện và là kết quả đúc kết từ những lời dạy thân tình, sâu sắc của Bác Hồ khi đến thăm địa phương cách đây tròn 65 năm.
Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Từ một tỉnh nghèo, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh du cư, Yên Bái đã chuyển sang nền kinh tế hàng hóa phát triển đa dạng. Qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá, bình quân 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội (7,5%/năm).
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho hay, tỉnh đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, y tế..., góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển từ đầu nhiệm kỳ đến nay ước đạt 44.880 tỷ đồng, bằng 44,88% mục tiêu Nghị quyết. Trong quá trình phát triển, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, văn hóa - xã hội có bước phát triển toàn diện; chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế không ngừng được nâng lên. Năm 2022, toàn tỉnh có 326 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 73,8%), vượt mục tiêu Nghị quyết, chất lượng giáo dục toàn diện đạt mức khá trong vùng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%, bằng 98,4% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Tỉnh thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tiếp tục giảm theo hướng bền vững. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch (địa bàn các huyện vùng cao giảm trung bình trên 8%/năm).
Từ năm 2020 đến nay, Yên Bái là tỉnh duy nhất trong cả nước đã phát động ủng hộ, tặng quà Tết cho 100% hộ nghèo và các hộ tự nguyện thoát nghèo trong toàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rất rõ mục tiêu “quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025, và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030”. Đặc biệt, địa phương đã xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa Chỉ số hạnh phúc của nhân dân là một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội, thể hiện quyết tâm của Yên Bái trong việc thực hiện lời dạy của Bác.
Học tập và làm theo lời dạy của Bác, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, chủ động, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện. Dự kiến, 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều thuộc nhóm các tỉnh khá trong vùng, có những chỉ tiêu thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu trong vùng. Mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng đang từng bước được hiện thực hóa.
65 năm kể từ ngày Bác về thăm, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái biết ơn vô hạn và khắc sâu lời Bác dạy. Phát huy những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi.