Đồng bào vùng cao rộn ràng vui Tết Đầu lúa

Ngày 14/1, tỉnh Bình Thuận tổ chức đoàn công tác đến thăm và chúc mừng Tết Đầu lúa đồng bào Raglay, K’ho đang sinh sống tại các xã miền núi, vùng cao thuộc huyện Bắc Bình.

Chú thích ảnh
Thăm hỏi, tặng quà chính quyền và nhân dân địa phương nhân Tết Đầu lúa.

Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh đã ân cần thăm hỏi, tặng quà lãnh đạo địa phương, già làng, người có uy tín trong cộng đồng; chúc đồng bào đón Tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn, trong năm mới, cấp ủy, chính quyền và bà con tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó để thi đua sản xuất, giảm hộ nghèo, nâng dần hộ khá, giàu; xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Năm 2024, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự theo sát chỉ đạo của chính quyền các cấp, tình hình sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc sản xuất của đồng bào ổn định hơn, năng suất các loại cây trồng tăng. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, năng suất một số cây trồng chưa cao nhưng bù lại giá vẫn giữ ổn định. Lúa khô trung bình 7.500 đồng/kg, bắp 6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và huyện Bắc Bình đều tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà đồng bào, nhất là quan tâm hộ nghèo, gia đình chính sách nên bà con đón Tết trong không khí ấm áp, no đủ.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân Tết đầu lúa.

Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới có từ rất lâu đời, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy và thường được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Chạp hằng năm. Đây là ngày Tết quan trọng, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của đồng bào Raglay, K’ho các xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến (Bắc Bình).

Tết Đầu lúa thường bắt đầu với các nghi thức cúng dâng, cúng lúa mới do già làng, trưởng bản thực hiện trước. Các gia đình, dòng họ đều tổ chức cúng lúa mới và quây quần sau mùa vụ. Đây là cách thể hiện sự biết ơn và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu mong cho cây lúa không bị sâu rầy, đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.

Từ nhiều năm nay, huyện Bắc Bình tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao 4 xã miền núi để tạo điều kiện cho đồng bào đón Tết vui tươi, thắt chặt tình đoàn kết và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Năm nay, ngày hội được tổ chức tại xã Phan Sơn trong 2 ngày 13 - 14/1 với nhiều hoạt động sôi nổi như: Dựng trại, trang trí cây nêu, thi bắn nỏ, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước, biểu diễn trang phục dân tộc, văn nghệ, đêm hội rượu cần... Ngoài ra, ngày hội còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương như, đậu đen, rượu cần, rượu nho rừng…

Ông K'Bảy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Sơn cho biết, ngày hội không chỉ phục dựng lễ cúng mừng lúa mới, góp phần nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về nguồn cội, truyền thống dân tộc mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Tin, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và chúc Tết tại một số địa phương
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và chúc Tết tại một số địa phương

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 14/1, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm, tặng quà Tết tại nhiều địa phương trên tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau", đảm bảo mọi người dân đều có Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN