Đổi đời trên quê hương Hai Căn

Hàng trăm hộ dân nghèo tại huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) được bố trí về khu định cư thôn Hai Căn (xã Phú Nghĩa) từng bước thoát khỏi cảnh sống khó khăn về nhà ở, từng bước ổn định cuộc sống. Đó là nhờ các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của huyện Bù Gia Mập phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) tích cực vận động nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng nhà, tạo sinh kế cho bà con sau khi dọn về “quê hương” mới.

Chú thích ảnh
Bê tông hóa Khu định cư 119,  thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (ảnh tư liệu).

Điểm tựa từ “căn nhà mơ ước”

Anh Điểu So (36 tuổi, ở Đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa) sau 8 năm lập gia đình nhưng vẫn chưa tích góp tiền để có nhà kiên cố ở. Do gia đình ít đất sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào đi làm thuê nên sau khi lấy vợ vẫn trong căn nhà tạm bợ bằng tre, mái tôn. Thời điểm trước đó, tại Đội 6, thôn Tân Lập chưa có điện, thiếu nước sạch nên đời sống hầu hết người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đến năm 2015, niềm vui đến với vợ chồng anh Điểu So khi được huyện Bù Gia Mập bố trí định cư tại thôn Hai Căn trên mảnh đất khoảng 400 m2 và tặng căn nhà xây kiên cố. Gia đình anh So là một trong những hộ đầu tiên được bố trí định cư khu định cư ở thôn Hai Căn. Anh Điểu So chia sẻ: Thời điểm chưa về sinh sống tại khu định cư này, cuộc sống gia đình khó khăn. Nhà không có đất, thu nhập chủ yếu dựa vào đi làm thuê nên thường xuyên thiếu trước hụt sau. Sau khi được chính quyền địa phương cấp căn nhà, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Hơn 8 năm qua, vợ chồng tôi đã cố gắng làm ăn, tích góp lo ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho hai đứa con đến trường.

Từ khi có căn nhà kiên cố, vợ chồng anh Điểu So còn được học nghề cạo mủ cao su do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) tổ chức dạy. Qua đó, từ khi biết cạo mủ cao su thành thạo, vợ chồng anh So đã có thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. “Có căn nhà kiên cố, gia đình tôi có nơi ở vững chắc không còn lo nắng, mưa bất thường ảnh hưởng như trước nữa. Bây giờ, chỉ còn cố gắng đi làm dành dụm tiền để không nghèo như trước nữa”, anh So chia sẻ.

Còn gia đình chị Thị Khấn (35 tuổi), trước kia ở thôn Đắk Son cũng không có nhà ở, không đất sản xuất. Xuất thân từ gia đình đông con, sau khi lập gia đình mái nhà chung trở nên chật hẹp. Việc ra ở riêng khiến vợ chồng chị Khấn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2018, gia đình chị Thị Khấn được chính quyền địa phương bố trí ở tại khu định cư thôn Hai Căn, cấp căn nhà khang trang nên rất vui mừng. Theo chị Khấn, trước đây vợ chồng bắt đầu lập nghiệp không có vốn sản xuất, không có nhà ở kiên cố. Vợ chồng không có đất canh tác, thu nhập chủ yếu làm thuê nên chưa dành dụm để cất căn nhà. Sau khi được huyện Bù Gia Mập cho căn nhà gia đình rất phấn khởi. Hiện nay, dù không có đất sản xuất nhưng gia đình chị Khấn đã có nhà, yên tâm lao động sản xuất và đã thoát nghèo.

Không chỉ riêng gia đình chị Thị Khấn, anh Điểu So mà còn có trên 100 hộ dân đã về định cư tại quê hương mới Hai Căn phấn khởi khi được làm chủ căn nhà “mơ ước”. Căn nhà trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các hộ dân yên tâm lạo động sản sản xuất. Đặc biệt, căn nhà kiên cố đã và đang giúp những hộ nghèo trước đây không còn lo ảnh hưởng thất thường của thời tiết đến sinh hoạt trong gia đình.

Nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế

Chú thích ảnh
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đẹp làm vó để đánh cá (ảnh tư liệu).

Từ năm 2015 đến nay, khu định cư ở Hai Căn đã đón 131 hộ đồng bào thiểu số nghèo, gia đình chính sách không có nhà ở, thiếu đất sản xuất. Hơn 8 năm qua,  cây điều, cây ăn trái của mỗi gia đình đã phủ xanh khu dân cư. Các hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông được đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Bà Phương Thị Lực (43 tuổi) vẫn nhớ như in về cuộc sống khó khăn hơn 5 năm trước. Trước đây, gia đình bà Lực lên tỉnh Bình Phước lập nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thu nhập đi làm thuê. Năm 2018, gia đình được huyện Bù Gia Mập bố trí ở tại khu định cư thôn Hai Căn nên đã thay đổi cuộc sống. Đến nay, gia đình bà Lực không còn là hộ nghèo. Để thoát nghèo, ngoài công việc đi làm thuê cạo mủ cao su, nhặt điều thời vụ, gia đình bà Lực nuôi bò, nuôi lợn để có thêm thu nhập. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, bà còn cạo vỏ lụa hạt điều để có thêm nguồn thu.

Bà Lực chia sẻ: Trước đây, vợ chồng từ miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp khai hoang đất để trồng trọt. Tuy nhiên, sau khi bị thu hồi đất thuộc lâm phần, gia đình được nhà nước hỗ trợ nhà ở nên cũng đã yên tâm làm ăn, đến nay đã thoát nghèo. Có nơi ở ổn định nên gia đình yên tâm làm ăn, chăn nuôi thêm để có thêm nguồn thu.

Còn chị Thị Điểu (29 tuổi) sau khi được bố trí ở tại khu định cư Hai Căn cũng đã mạnh dạn vay vốn để mở gian hàng tạp hóa nhỏ buôn bán. Lập nghiệp sau hơn 3 năm, chị Thị Điểu đã có cuộc sống ổn định. Tạp hóa nhỏ là nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con trong khu định cư. Chị Thị Điểu chia sẻ: “Về khu định cư này được nhà nước cấp nhà nên ai cũng phấn khởi và có động lực làm ăn. Bản thân tôi đã chọn mở quán nhỏ để có thêm thu nhập phụ chồng kiếm tiền. Bà con ở đây hầu hết có thu nhập thấp nên mặt hàng tiêu dùng bán cho bà con rất phù hợp với nhu cầu”.

Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong khu định cư ở Hai Căn điều nỗ lực phát triển kinh tế bằng nhiều cách để có cuộc sống ổn định hơn. Phải kể đến từ ngôi nhà kiên cố đã giúp họ vươn lên phát triển kinh tế bằng nhiều phương thức khác nhau như: cạo mủ cao su, nuôi bò, nuôi lợn, mở tạp hóa…từng phước ổn định cuộc sống, thoát nghèo.

Theo Trưởng thôn Hai Căn Hoàng Thanh Thao, đến nay toàn khu định cư có 131 hộ được hỗ trợ xây nhà ở với diện tích bình quân khoảng 50 m2. Ngoài cấp căn nhà xây kiên cố, người dân còn được hỗ trợ cây con giống, nông cụ sản xuất theo nhu cầu công việc, hỗ trợ tặng quà dịp Tết, lễ... Thời gian vừa qua, địa phương đã vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ làm đường nhựa, đường bê tông, xây dựng giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt, hệ thống đèn đường khu dân cư…

“Đây là khu định cư dành cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách nên các cấp, ngành luôn quan tâm, động viên người dân phát huy tinh thần tự lực, tích cực phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, ổn định đời sống. Thời gian qua, người dân nơi đây cũng đã có nhiều thay về tư duy phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các hủ tục tập quán không phù hợp, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư. Đến nay, khu định cư chỉ còn lại 3 hộ nghèo”, ông Hoàng Thanh Thao cho biết thêm.

Những đổi thay tại khu định cư ở Hai Căn trong những năm qua đang mang lại niềm vui cho người dân nơi vùng đất mới. Đặc biệt, từ những căn nhà xây đã trở thành “điểm tựa” vững chắc, tạo động lực để người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tết Độc lập nói chung và Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nói riêng là nét đẹp văn hóa độc đáo mà người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN