Thái Nguyên là tỉnh giàu tiềm năng về du lịch, với hệ thống hang động phong phú, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng trải dài trên sườn phía Đông dãy núi Tam Đảo và kho tàng di sản văn hóa lớn, gồm 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 17 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận.
Hệ thống các tuyến du lịch tham quan trong tỉnh gắn với các di tích và các điểm tham quan khác được hình thành dựa trên tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái động thực vật phong phú, sông hồ, hang động đẹp thu hút khách du lịch, có điều kiện kết nối liên kết với các khu, điểm đến du lịch với các tỉnh lân cận và các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc. Đặc biệt, tuyến du lịch nổi bật nhất hiện nay tại Thái Nguyên đó là tuyến du lịch về nguồn ATK Định Hóa.
Cùng với việc bảo tồn các di tích trong quân ftheer Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp cùng UBND huyện Định Hóa đã triển khai nhiều giải pháp phát huy giá trị văn hóa văn hóa truyền thống làm nền tảng thu hút khách du lịch. Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng với những cảnh quan thiên nhiên phong phú là tài nguyên để thu hút khách du lịch. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững, cần phải được quan tâm chú trọng và xây dựng thành những sản phẩm du lịch.
Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch đặc biệt, phát triển du lịch bền vững gắn với gìn giữ, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đề án phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025 hướng đến năm 2030, xác định đưa du lịch Thái Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2022, du lịch Thái Nguyên đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Ước tính năm 2022, toàn tỉnh đón được trên 2,1 triệu lượt khách du lịch. Theo ông Linh, mặc dù Định Hóa là một trong hai huyện khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên, nhưng tỉnh và ngành văn hóa đã dành nguồn lực nhiều nhất để triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch trên địa bàn. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, cũng như trên địa bàn huyện Định Hóa nói riêng, gắn với phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn, là một nhiệm vụ, đồng thời đây cũng là định hướng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch của tỉnh….
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa chia sẻ: Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Định Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án, Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc. Thông qua Đề án sẽ xác định rõ được tiềm năng, lợi thế, thực trạng và phương hướng phát triển cho du lịch cộng đồng tại địa phương. Đồng thời, đưa ra được những cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm tới. Định Hóa hiện có 182 điểm di tích, trong đó có 28 di tích cấp Quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 13 di tích nằm trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng. Cùng với đó, huyện Định Hóa còn có di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như, nghi lễ Then của dân tộc Tày, múa rối cạn dân tộc Tày ở xã Đồng Thịnh, lễ hội Lồng tồng, Lượn Cọi của người Tày, Pả Dung của người Dao. Có thể thấy, Định Hóa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn dựa trên những lợi thế về thiên nhiên cũng như di tích lịch sử…
Theo ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa, Khu di tích đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên là một hành trình về nguồn rất quan trọng trong các điểm du lịch tại Thái Nguyên. Nơi đây là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ hành hương về nguồn. Khu di tích đặc biệt ATK Định Hóa là minh chứng sinh động cho những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị riêng của mảnh đất cách mạng…
Trong chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cùng với việc đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, Thái Nguyên ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm như: ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, hang Phượng Hoàng, quần thể đàn thờ vua Lý Nam Đế... chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D, phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị đi động thông minh... góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch vùng trung du miền núi phía Bắc./.