Điện gió Đắk Nông: Tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện, công khai hồ sơ dự án

Việc triển khai các dự án điện gió quy mô lớn ở Đắk Nông như Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 đang tiếp tục vấp phải sự phản ứng từ phía người dân sau khi nhiều vấn đề về bồi thường không sớm được giải quyết.

Trong khi đó, hơn 3 tháng sau khi dự án được khởi công, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và cung cấp đầy đủ… hồ sơ dự án? 

Chú thích ảnh
 Chủ đầu tư, đơn vị thi công chạy nước rút để hoàn thành công trình trước ngày 1/11/2021.

Dân đóng cọc, chặn đường thi công

Gia đình ông Trần Văn Lực, ngụ xã Thuận Hạnh có 2,7 ha cà phê, tiêu, cây ăn trái tiếp giáp với trụ điện gió số 74. Ông Lực cho biết, do nhà thầu thi công không làm đường mương thoát nước nên hơn 2 tháng nay mỗi khi trời mưa, toàn bộ nước đổ dồn xuống nương rẫy gia đình ông. Chủ đầu tư, chính quyền địa phương cũng đã đến khảo sát, làm việc nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.

“Tôi ước tính có khoảng 150 cây tiêu, 40 cây cà phê và nhiều cây ăn trái bị ngã đổ, chết dần. Hồ nước ở cuối rẫy cũng bị bồi lấp. Gia đình yêu cầu bồi thường 120 triệu đồng nhưng phía chủ đầu tư chưa chịu, họ “ra giá” 100 triệu đồng. Mãi không thống nhất được nên tôi trồng trụ, chắn đường từ ngày 16/7, tới khi nào giải quyết xong thì mở ra”, ông Lực cho biết thêm.

Tương tự, gia đình ông Vũ Văn Sáu ngụ cùng xã cũng có đất đai, nhà cửa liền kề với trụ điện gió số 67. Ông Sáu kể khoảng đầu tháng 2 vừa qua, khi đơn vị thi công đưa máy móc, trang thiết bị vào đóng cọc trụ điện gió thì căn nhà cấp 4 của gia đình ông rung lắc, tường nứt nhiều nơi. Vài ngày sau, một vách tường đổ sập, toàn bộ căn nhà cũng bị nghiêng, rất nguy hiểm.

Xung quanh trụ điện gió số 67 cũng có nhiều gia đình bị tình trạng xói lở đất đai, cây trồng do nương rẫy bất đắc dĩ trở thành đường thoát nước của công trình. Bà Phạm Thị Mỹ, một hộ dân bị ảnh hưởng yêu cầu phải xem xét bồi thường thỏa đáng; đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề thoát nước cho các công trình điện gió, không thể để nước chảy tràn vào đất đai, nương rẫy như hiện nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng xã Thuận Hạnh đã có 8 trụ điện gió xảy ra tình trạng nước mưa từ công trình đổ vào nương rẫy, cây trồng của người dân. Xã Thuận Hạnh nói riêng và các khu vực lân cận nói chung đều có địa hình đồi dốc, lượng mưa khá lớn. Nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công không sớm giải quyết cơ bản vấn đề này thì những thiệt hại cho người dân sẽ còn dai dẳng, vì thời điểm hiện nay mới bắt đầu vào cao điểm mùa mưa.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm đếm, thống kê, xác định thiệt hại của các hộ dân bị nước mưa chảy tràn, ảnh hưởng tới đất đai, cây trồng. Đối với vấn đề thi công làm nứt nhà, UBND huyện Đắk Song đã mời một đơn vị kiểm định độc lập xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại và lấy đó làm căn cứ để thỏa thuận, bồi thường. “Hiện các đơn vị đã hoàn thành, lên giá đền bù một số trường hợp”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thông tin thêm.

Trước đó, tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 17/6/2021, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã khẳng định: “Việc người dân tại các dự án điện gió trên địa bàn huyện Đắk Song cản trở thi công là để đòi hỏi giải quyết quyền lợi, chưa có sự phá hoại của các thế lực phản động”. Để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự cũng như tiến độ dự án thì cần “lấy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là chính”.

Tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ… hồ sơ dự án

Như đã thông tin, cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2 và Đắk N’Drung 3 đã được khởi công xây dựng nhiều vị trí, hạng mục công trình khi chưa hoàn thành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định cho thuê đất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và chưa có thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, việc này đã vi phạm Luật Đất đai 2013 và các quy định, văn bản pháp lý liên quan. Theo Sở Công Thương Đắk Nông, ba dự án có tổng công suất 300 MW, sản lượng điện hàng năm vào khoảng 930 GWh (Gigawatt hours), vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng. Ba dự án này đều đặt mục tiêu hoàn thành và phát điện thương mại trước ngày 1/11/2021.

Chú thích ảnh
Trang thiết bị thi công một trụ điện gió nằm bất động do đường ra vào công trình bị người dân dựng cọc, không cho phương tiện cơ giới lưu thông.

Ngày 16/7 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã có công văn gửi Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại tỉnh Đắk Nông để cung cấp thông tin về việc triển khai các dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông khẳng định đơn vị chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục phối hợp với UBND huyện Đắk Song, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan của tỉnh để hoàn thiện các thủ tục đất đai, hoàn thiện hồ sơ đầu tư để triển khai xây dựng công trình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “các dự án đã đầy đủ hồ sơ pháp lý và đầy đủ các điều kiện để khởi công công trình hợp pháp hay chưa?”, văn bản của Sở Công Thương Đắk Nông chỉ nêu, hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương “hoàn thành thủ tục đất đai theo quy định”.

Liên quan tới vấn đề bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trong phạm vi bán kính 300m tính từ chân cột điện gió, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng vừa có công văn phúc đáp UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, Bộ Công Thương nêu rõ, chủ đầu tư dự án điện gió phải lựa chọn vị trí xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định về tiếng ồn theo quy chuẩn Việt Nam; đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản trong đầu tư xây dựng, “đảm bảo đầu tư xây dựng công trình phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương, đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân”… (quy định tại điều 4, Luật Xây dựng 2014).

Chú thích ảnh
Một hộ dân tại xã Thuận Hạnh cho rằng quá trình đóng cọc cột điện gió đã làm sập tường, nứt nhà của gia đình mình.

Tương tự, Tổng cục Quản lý Đất đai cũng hướng dẫn rằng, việc xác định phần đất nằm trong hành lang an toàn công trình điện gió được thực hiện theo các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan. Và việc bồi thường do hạn chế khả năng sử đụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai 2013 cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành bộ Luật này.

Ngày 9/7 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục văn bản yêu cầu các công ty, bao gồm: Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông; Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông 1; Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông 2 phải cung cấp đầy đủ, chính xác các hồ sơ liên quan đến thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, hồ sơ địa chính và các số liệu thật chính xác cho các đơn vị chức năng của tỉnh để có cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan tới dự án, theo đúng các quy định của pháp luật.

Phóng viên TTXVN tại Đắk Nông đã nhiều lần liên hệ để trao đổi các thông tin liên quan với người được cho là đại diện cho cả ba công ty nhưng không được phản hồi, hợp tác.

TTXVN sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về sự việc này.

Bài và ảnh: Minh Hưng (TTXVN)
Quảng Trị: Tránh gây thiệt hại cho người dân khi triển khai các dự án điện gió
Quảng Trị: Tránh gây thiệt hại cho người dân khi triển khai các dự án điện gió

Trong hai ngày 15-16/7, tại thành phố Đông Hà, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kỳ họp thứ 3, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN