'Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà' lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

Tỉnh Đắk Lắk đang triển khai lấy ý kiến nhân dân và cán bộ, đảng viên về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk Đỗ Đức Hà nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai rộng khắp, đa dạng hình thức, qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

* Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Tại xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn), những ngày này, lực lượng Công an xã phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn để “đi tận ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên tuyền, hướng dẫn, vận động bà con tham gia góp ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Mặc dù địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, song với cách làm quyết liệt của lực lượng Công an xã, việc triển khai tương đối suôn sẻ, giúp người dân tiếp cận, phát huy tính dân chủ trong hoạt động lập hiến.

Chú thích ảnh
Công an xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn bà con tham gia góp ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: TTXVN phát

Già Y Nu Say Niê, buôn Ea Rông, xã Krông Na cho biết, lực lượng Công an xã cùng Ban tự quản buôn đã giải thích về mục đích, ý nghĩa của việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hướng dẫn già và mọi người góp ý trên ứng dụng VNeID. Già Y Nu Say Niê cho biết, hình thức góp ý này rất tiện lợi; đồng thời bày tỏ quan tâm, đồng tình với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, do đó việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo già là cần thiết, phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Y Jút, xã Krông Na cho biết, Ban giám hiệu Nhà trường đã nêu gương thực hiện góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; đồng thời tuyên truyền, vận động giáo viên, người lao động góp ý kiến. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Đa số đồng tình cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 rất phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, từ ngày 10/5, Công an phường Tân Thành phối hợp với các hội đoàn thể, tổ công nghệ số cộng đồng thành lập 13 tổ để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, người dân phường Tân Thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là ứng dụng VNeID, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bản thân ông Hòa rất quan tâm đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Do đó, ông kỳ vọng, quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đưa cuộc cải cách toàn diện bộ máy hệ thống chính trị đi đến thắng lợi, hiệu quả.

Cùng với việc góp ý vào dự thảo Nghị quyết trên ứng dụng VNeID, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân phù hợp với điều kiện thực tiễn. Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, công chức, viên chức của Hội đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng đối với nội dung dự thảo Nghị quyết.

Nhiều ý kiến tâm huyết

Việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk được các cấp, ngành, địa phương tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch. Qua đó, cán bộ, nhân dân, đảng viên trên địa bàn đã tích cực góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết.

Chú thích ảnh
Ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bằng văn bản gửi đến MTTQ tỉnh. Ảnh: Hoài Thu/ TTXVN

Theo Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Hà Ngọc Đào, Hiến pháp là văn bản pháp luật quan trọng nhất của một quốc gia. Việc người dân tham gia xây dựng Hiến pháp thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thể hiện thực chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với nhân dân - người dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Qua việc lấy ý kiến nhân dân, Hiến pháp mới sẽ là hiến pháp hợp lòng dân để thực sự xây dựng xã hội dân chủ, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Sau khi nghiên cứu kỹ từng nội dung, điều khoản được đề xuất sửa đổi, ông Hà Ngọc Đào đã gửi ý kiến bằng văn bản đến Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, ông Hà Ngọc Đào tâm đắc đối với việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là một sự đổi mới rất mạnh mẽ, là cuộc cách mạng, qua đó sẽ xây dựng chính quyền gần dân, sâu sát với nhân dân, đồng thời giảm được nhiều biên chế, tiết kiệm được kinh phí Nhà nước để tập trung đầu tư, chăm lo, đưa mức sống của nhân dân ngày càng đi lên.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tính độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa cao, đang có sự chồng lấn, trùng lặp về đối tượng vận động, tập hợp nên có lúc hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, nội dung dự thảo Nghị quyết cần làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian tới.

Là một doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đối với các quy định xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo ông Huấn, đây là bước đi mạnh mẽ, quyết liệt, đúng đắn, hợp lòng dân; mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, giảm ngân sách nhà nước chi cho quỹ lương.

Về phía doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là cần thiết để giảm bớt thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các cơ hội mở rộng sản xuất và vay vốn ngân hàng.

Là một cán bộ Đoàn - Hội trẻ, anh Võ Tiến Tuấn Niê, Bí thư Chi đoàn cơ sở Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã nhanh chóng nghiên cứu, góp ý kiến và tuyên truyền, vận động khối học sinh, sinh viên góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chú thích ảnh
Anh Võ Tiến Tuấn Niê, Bí thư Chi đoàn cơ sở Tỉnh đoàn Đắk Lắk góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Hoài Thu /TTXVN

Anh Võ Tiến Tuấn Niê quan tâm và kỳ vọng, dự thảo Nghị quyết sẽ làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời quy định cụ thể hơn vai trò và vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội thành viên trong Mặt trận Tổ quốc, giúp cho các tổ chức này làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo đà phát triển cho đất nước.

Anh Võ Tiến Tuấn Niê tin tưởng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này sẽ giúp cho bộ máy tinh gọn hơn, nâng cao năng lực của từng tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk Đỗ Đức Hà cho biết, công tác lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đang được các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, thiết thực, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình hoàn thiện Hiến pháp.

Ngoài các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai linh hoạt các phương pháp lấy ý kiến như: phát phiếu khảo sát, tổ chức thảo luận theo nhóm, theo tổ tại cơ sở. Một điểm nhấn nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là tích hợp nội dung góp ý trên ứng dụng VNeID. Cách làm này đã mở rộng đối tượng tham gia, rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia góp ý kiến; đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận và xử lý ý kiến.

Dự kiến, sau khi lấy ý kiến nhân dân và cán bộ, đảng viên, các cơ quan, tổ chức, địa phương gửi báo cáo tổng hợp kết quả đến UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp). Trước ngày 31/5/2025, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ Tư pháp báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và các ngành, các cấp trên địa bàn.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Rà soát, sửa đổi các luật, văn bản, hướng dẫn liên quan để thực hiện thống nhất
Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Rà soát, sửa đổi các luật, văn bản, hướng dẫn liên quan để thực hiện thống nhất

Sáng 26/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN