'Đêm thơ Văn Công - Cuộc đời và trang viết'

“Đêm thơ Văn Công - Cuộc đời và trang viết” là chủ đề của chương trình được tổ chức nhân ngày mất của ông, diễn ra tối 7/10, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức. Các tác phẩm của nhà thơ Văn Công gắn với chặng đường của sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam và mạch nguồn cảm xúc là tình yêu đất nước, quê hương,..

Chú thích ảnh
Quang cảnh đêm thơ “Đêm thơ Văn Công – cuộc đời và trang viết”. Ảnh: Xuân Triệu

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm (1926 - 2021) sinh tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nho học, một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng và nhiều trí thức lớn. Năm 1946, ông tham gia đoàn quân Nam tiến rồi sống, chiến đấu và gắn bó với mảnh đất Phú Yên cho đến ngày tạ thế.

Lúc sinh thời, nhà thơ Văn Công từng chia sẻ với mọi người: Thơ là người bạn chí cốt của mình, giúp mình vượt qua thử thách, gian nan, là nhật ký cảm xúc cuộc đời. Tuy viết cho riêng mình, nhưng vẫn là nguồn mạch đến với đời, với những người đã từng sống, từng hoạt động, cùng chia sẻ mọi gian nan thử thách, chia sẻ với bạn bè nhiều nơi, nhất là các vùng đất mang nhiều kỷ niệm trong cuộc đời...

Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhà thơ Văn Công là Hội viên Hội nhà Văn Việt Nam thuộc thế hệ tiền bối và đặt nền móng đầu tiên xây dựng nền thi ca giải phóng trong những ngày khó khăn nhất của Cách mạng miền Nam. Từ những năm 1960, nhân dân miền Bắc đã được đọc những bài thơ của tác giả Văn Công từ miền Nam gửỉ ra đăng trên báo. Nhà thơ Văn Công viết thơ tứ tuyệt, trường ca,... rất đa dạng và đầy tình người, tình sông núi, làm yêu thêm những ngày tháng, những vùng đất mà người làm thơ phải đổi cả một đời mới có...

Văn Công là lớp nhà thơ đầu tiên của văn học giải phóng miền Nam. Tên tuổi của ông đến với bạn đọc yêu thơ khá sớm trong những ngày gian khó nhất của cách mạng miền Nam (1954-1960). Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Văn Công gồm 7 tập thơ và nhiều ký sự đặc sắc.

Những bài thơ vượt tuyến của Văn Công được tặng giải Nhất báo Thống Nhất trong giai đoạn 1956-1959, được Nhà xuất bản Văn Nghệ in 17 bài trong tập  "Tiếng hát Miền Nam" (gồm 3 tác giả Văn Công - Giang Nam - Thanh Hải); được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. 

Chú thích ảnh

Trong trang viết của mình, nhà thơ Văn Công luôn thể hiện niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Ở bài thơ "Đi giữa Phú Yên" - một trong những bài thơ từ Phú Yên vượt tuyến ra miền Bắc in trên báo Thống Nhất năm 1956, nhà thơ viết: 

"Phú Yên nuôi lớn, Phú Yên ơi

Mười mấy năm nay nếm đủ mùi

“Vững tin thắng lợi ngày mai nhé”

Tôi bước chân đi chẳng bước lùi"

Về hoạt động chính trị, ông từng giữ các trọng trách là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên; Trưởng Ban chi viện chiến trường khu Trung Trung Bộ; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (nay là hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa)...

Bên cạnh đó là quyết tâm và niềm tự hào của nhà thơ và đồng đội khi được cống hiến cho Tổ quốc. Trong bài "Bất khuất"- bài thơ tiêu biểu nhất trong tập thơ “Bất khuất” xuất bản năm 1967 ở chiến khu, được công bố trên Báo Giải phóng, Cơ quan Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên, nhà thơ Văn Công đã viết:

"... Áo vải chân không từ bùn đen vùng dậy

Con nối cha liên tiếp cuộc hành quân

Chí anh hùng ngát thơm mùi đất lửa

Ôi Việt Nam Tổ quốc những thiên thần... " 

Năm 1958, nhà thơ Văn Công viết bài thơ "Người cộng sản", là một trong những bài thơ đặc sắc được dịch ra tiếng Pháp xuất bản ở Paris năm 1968. 

"Người Cộng sản phải trên trời rơi xuống?

Hay từ dưới đất mọc lên?

Không! Không phải!Cũng đầu đen máu đỏ

Từ khổ đau họ đã vùng lên..." 

Những vần thơ ấy đã góp phần phục vụ công tác tuyên truyền của phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao ở Paris trong những năm 1968-1973.

Chú thích ảnh
Các tác phẩm ghi dấu ấn đóng góp của nhà thơ Văn Công. Ảnh: Xuân Triệu

Trong thơ Văn Công, hình ảnh quê hương được hiện lên đẹp như tranh vẽ; kiên cường trong kháng chiến và vững tin về tương lai tươi sáng. "Tuy Hòa mến yêu" là bài thơ được giải nhất Báo Thống Nhất, được tập hợp trong tập thơ "Tiếng hát miền Nam", xuất bản năm 1960 và trích dẫn trong giáo trình văn học cách mạng miền Nam của Khoa Ngữ văn - Trường đại học Tổng hợp và Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã thể hiện rõ tinh thần đó: 

"Ta lặn lội giữa trời bùng khói lửa

Tháp Chàm ơi! Mây quyện gió hoang vu

Lúa gãy đòng đập Ðồng Cam chảy sữa

Vách tường xiêu cau mặt ngó quân thù…

Tuy Hòa ơi! Ngày mai sẽ đến

Bụi mù tan, chim bướm nhởn nhơ bay

Ðỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện

Cửa sông Ðà buồm giăng cánh về đây..."

Là người có nhiều năm gắn bó và từng làm thư ký cho nhà thơ Văn Công khi ông là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh, nhà báo Phan Thanh Bình (nguyên Trưởng Phòng Bạn đọc - Tư liệu, Báo Phú Yên) chia sẻ: Đọc thơ của bác Văn Công, có thể hình dung toàn bộ chặng đường hoạt động cách mạng của ông. Điều lạ lùng là trong những điều kiện ngặt nghèo, khó khăn nhất ông vẫn viết được.

Trong những cống hiến đa dạng, đặc sắc của ông với quê hương, đất nước, thơ ca đồng hành và lan tỏa muôn đời như những vần thơ của chính ông đã viết: 

"Tất cả sẽ trở thành quá khứ

Tôi như con sóng vỗ xa bờ

Vỗ mãi ngày đêm trên đất Phú

Cuối cùng chỉ đọng lại hồn thơ".

Xuân Triệu
Phú Yên: Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên và trao Giải Búa liềm vàng
Phú Yên: Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên và trao Giải Búa liềm vàng

Ngày 5/10, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại tỉnh Phú Yên (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương (5/10/1930 - 5/10/2023) và tổng kết, trao giải Giải Báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) tỉnh năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN