Phú Yên: Liên kết sản xuất và kết nối du lịch

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập vùng nông thôn, một số địa phương trong tỉnh Phú Yên đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển du lịch…

Chú thích ảnh
Nhiều nông dân tại huyện Đồng Xuân có thu nhập ổn định nhờ liên kết trồng cây keo lai với các nhà máy thu mua. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Sắn, keo, mía là những cây trồng chủ lực hiện nay tại huyện miền núi Đồng Xuân. Trong khi tại nhiều địa phương khác, bà con nông dân đang loay hoay cho đầu ra của sản phẩm cây trồng thì người dân tại huyện miền núi này không phải lo lắng sau khi thu hoạch. Trên địa bàn huyện hiện nay có nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn, chế biến mía đường và gỗ dăm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Xuân Long (huyện Đông Xuân) là một trong nhiều hộ dân trồng cây keo lai từ hơn 10 năm nay. Trong gần 15 ha keo lai của gia đình, có diện tích đã được thu hoạch và có diện tích đang được ông chăm sóc. Đầu ra cho cây keo lai ổn định kể từ khi có nhà máy thu mua đóng chân trên địa bàn huyện. Có năm cây keo lai còn được thu mua với giá cao hơn thị trường khiến ông cùng nhiều nông dân trồng keo tại địa phương vô cùng phấn khởi.

Ông Sỹ chia sẻ, kể từ khi có nhà máy thu mua keo đặt tại địa bàn huyện, giá keo không còn bấp bênh như những năm trước. Cây keo không còn phải qua thương lái thu mua, nên người dân yên tâm trồng mà không lo đầu ra. Thu nhập bình quân của gia đình ông Sỹ từ việc trồng cây keo lai đạt hơn 300 triệu đồng/năm.

Theo ông Lê Văn Tú, Trưởng Phòng Kinh tế tổng hợp Nhà máy Sắn Đồng Xuân, từ công đoạn xuống giống, kỹ thuật chăm sóc cây sắn hay giá cả sản phẩm đều được nhà máy hỗ trợ tối đa cho nông dân. Nhà máy liên kết bền vững với nông dân qua việc tích cực hỗ trợ nông dân về phân bón, cấy giống, hướng dẫn nông dân phương pháp lên luống, trồng hom đứng để có năng suất cao hơn, việc thu mua cũng ổn định.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân trên địa bàn, huyện đã tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan cấp giấy hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền cho các địa phương trong huyện chuyển đổi cây trồng trên những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các cây trồng chủ lực. Nhờ các mô hình liên kết sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tăng giá trị kinh tế qua từng năm.

Hiện nay, huyện Đồng Xuân đang tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao chất lượng nông sản. Cơ quan ban ngành của huyện cũng đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu hoặc tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng chuỗi liên kết sản xuất.

Chú thích ảnh
Một vườn cây đỏ tại xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) thu hút du khách giúp cho người dân tăng thêm thu nhập từ các dịch vụ đi kèm. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Thúc đẩy du lịch nông thôn  

Những ngày này, du khách trong và ngoài tỉnh vô cùng thích thú khi đến tham quan các nhà vườn cây đỏ (hay còn gọi là cây dâu da) tại một số xã thuộc huyện Sơn Hòa. Năm nay cây đỏ chín rộ, cho quả nhiều tạo nên sắc màu rực rỡ trong các nhà vườn.

Nằm ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên có khí hậu mát mẻ, từ đó hình thành nên nhiều nhà vườn cây ăn quả để phát triển du lịch nông thôn.

Chị Phạm Thị Thanh Huyền, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi xem các hình ảnh của bạn bè trên mạng xã hội về vườn cây đỏ, chị đã cùng gia đình đến tham quan các nhà vườn thuộc xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa). Đến đây chị khá ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều vườn cây đỏ trĩu quả, chín rộ từ gốc đến ngọn. Ngoài việc được chụp ảnh cùng vườn cây, gia đình chị còn được thưởng thức các món ăn địa phương vô cùng hấp dẫn.

Hiện nay, việc phát triển du lịch nông thôn đang được các địa phương trong tỉnh Phú Yên chú trọng vì các sản phẩm khi thu hút được du khách sẽ giúp cho người dân có thêm thu nhập từ các dịch vụ đi kèm.

Ông Võ Điền Phương, một chủ vườn cây đỏ tại xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) chia sẻ, những năm trước vườn cây đỏ chín rộ, người dân chỉ biết hái đem bán. Tuy nhiên những năm gần đây, du khách đến tham quan, chụp ảnh nhiều nên người dân địa phương không bán quả nữa mà thay vào đó mở cửa đón khách tham quan và bán thêm nước uống, cơm cùng một số loại hàng lưu niệm. Phát triển du lịch từ mô hình này đã giúp cho nhiều người dân tăng thêm thu nhập.

Xã Sơn Xuân được biết là đến là vùng đất có nhiều cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm nay, thời tiết thuận lợi và người dân tích cực đầu tư chăm sóc nên nhiều vườn cây đỏ trĩu quả. Hiện có gần 20 vườn cây đỏ của người dân ở xã Sơn Xuân được đưa vào khai thác du lịch. Du khách vào tham quan miễn phí, chủ vườn bán nước uống và phục vụ cơm trưa nên có thêm nguồn thu nhập. Trong những ngày lễ hay cuối tuần, lượng khách du lịch đổ về các nhà vườn cây đỏ tăng cao.

Ngoài việc quy hoạch phù hợp, các địa phương cũng đang hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Tường Quân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN