Để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào đời sống

Ngày 19/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. 

Chú thích ảnh
Gần 1.000 đại biểu là cán bộ trong ngành quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tham gia tập huấn Luật Đất đai năm 2024. 

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý đất đai đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý để khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả về đất đai. Nhất là phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách... Song bên cạnh đó, quá trình triển khai thi hành Luật còn có tồn tại, hạn chế.

Do đó, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024 góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế…

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ đã truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 đã đổi mới khá toàn diện so với Luật Đất đai năm 2013; trong đó, có một số nội dung đổi mới quan trọng như: Cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp; quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đặt biệt, trong Luật Đất đai năm 2024 phân cấp cho HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất; quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sạch do Nhà nước tạo lập hoặc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất…

Để triển khai Luật Đất đai năm 2024 đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo tầng lớp nhân dân, nhà đầu tư… Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực đất đai nghiên cứu sâu, kỹ từng chi tiết, điều khoản khi áp dụng vào thực tế, đặc biệt là những nội dung mới có nhiều cách hiểu khác nhau để khi áp dụng vào thực tế tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Triển khai Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước tại tỉnh Hậu Giang
Triển khai Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước tại tỉnh Hậu Giang

Sáng 13/9, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về việc triển khai Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN