Cụ thể, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào ngày 29/10 tại gia đình ông Nguyễn Nhu Lực, ở thôn 11 với số gia cầm mắc bệnh gần 800 con (gồm 650 con gà, 100 con ngan và 40 con chim bồ câu). Đến ngày 5/11, tiếp tục phát hiện thêm 1 một dịch cúm gia cầm khác tại gia đình ông Ngô Đức Tình ở thôn 5 với tổng số gia cầm bị bệnh 750 con (gồm 500 con vịt và 250 con gà).
Sau khi có kết quả gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N1, Trạm Chăn nuôi và Thú y xã đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị bệnh, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, hố tiêu hủy và khu vực xung quanh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 36 lít hóa chất để địa phương triển khai việc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi trên địa bàn xã Ea Kly.
Để phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây lan và bùng phát trên gia cầm, nguy cơ lây sang người, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương, sở, ngành liên quan quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 nhất là các chủng virus lây sang người. Trong trường hợp các địa phương có gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm gia cầm, cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch (khi đủ các điều kiện theo quy định) và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, khẩn trương tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, buôn, xã có dịch và các xã lân cận có nguy cơ cao. Cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch.
Các địa phương tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt các huyện có biên giới giáp Vương quốc Campuchia (Buôn Đôn và Ea Súp), xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường việc giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở xử lý tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn.