Cụ thể, khi được thu hoạch lên khỏi mặt nước cua yếu và chết nhanh (trong vòng 30 phút đến 1 giờ) với tỷ lệ chết hơn 50%, cua trong vuông nuôi cũng chết. Những con cua còn sống thì có chất lượng thịt thấp (mềm vỏ, thịt ốp, ít thịt…), sản lượng thu hoạch giảm hơn so với những năm trước đây. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều vuông nuôi tôm cua quảng canh trong khu vực lân cận, chưa thấy xuất hiện ở những năm trước đây.
Theo ông Huy, ngoài địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, người dân tại huyện Phú Tân cũng phát hiện cua chết bất thường. Qua khảo sát, đã xác định được nguyên nhân ban đầu nhưng để khắc phục được thì cần có thêm thời gian.
Trước tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với và Phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu thực hiện thu mẫu cua, mẫu nước, mẫu bùn trong các vuông nuôi cua quảng canh có dấu hiệu chết bất thường. Bước đầu xác định cua bị nhiễm ký sinh trùng có hình dạng loại tác nhân này là ấu trùng cypris của giáp xác chân tơ (Sacculina. sp), loài ký sinh trùng giáp xác chân tơ (Sacculina. sp), sống ký sinh trên các loài cua, ghẹ.
Ký sinh trùng này ký sinh trong xoang thân và cơ, làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, làm chậm quá trình sinh trưởng. Nếu cua, ghẹ có tỷ lệ nhiễm cao gây sự suy kiệt quần đàn, dẫn đến cua có dấu hiệu bị rụng chân.
Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, kết quả khảo sát ở huyện Ngọc Hiển chưa mang tính đại diện (chỉ thu 3 mẫu cua bệnh/vùng nuôi), ký sinh trùng tìm thấy qua mẫu phân tích, hiện nay chưa được nghiên cứu cụ thể nào trên đối tượng nuôi và mức độ ảnh hưởng của tác nhân này đến sức khỏe của đối tượng nuôi cũng như tìm ra giải pháp phòng trị bệnh. Bên cạnh đó, đến nay chưa có nghiên cứu sâu nào về bệnh trên cua do giáp xác chân tơ gây ra nên chưa có giải pháp phòng, trị hiệu quả hay khắc phục, điều trị.
Hiện ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cua biển thương phẩm chú trọng chọn giống tốt khỏe mạnh, sạch bệnh; cần có thời gian cải tạo, sên vét nền đáy vuông nuôi tôm, cua để hạn chế mầm bệnh trong môi trường cũng như quản lý tốt môi trường nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên cua, tôm và liên hệ cán bộ kỹ thuật cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn phòng bệnh; diệt khuẩn để loại bỏ mầm bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, nền đáy vuông nuôi… nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Để tìm ra giải pháp phù hợp khắc phục hiện tượng cua nuôi đang bị chậm lớn, chết chưa rõ nguyên nhân, ngành chức năng tỉnh đề xuất tiến hành nghiên cứu sâu và đưa ra giải pháp phòng, phòng trị bệnh trên cua nuôi thương phẩm giúp người nuôi ổn định lại sản lượng, chất lượng cua.
Trước đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển phản ánh, thời gian gần đây xảy ra tình trạng cua nuôi chết bất thường trên diện rộng. Một số nông dân ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, số lượng cua chết từ 50-70%. Không chỉ cua khỏe mạnh bị chết sau khi bắt lên mà hiện tượng cua chết tấp vào mé bờ cũng xảy ra. Đặc biệt, những con cua còn sống chất lượng thịt cũng không bình thường. Đây là hiện tượng chưa từng thấy trước đây.