'Cõng vốn' lên non giúp bà con làm giàu

Tín dụng chính sách luôn được xem là cứu cánh cho người nghèo trên cả nước.

Tại tỉnh Phú Thọ những năm qua, đồng vốn của Đảng và Nhà nước đã được các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ chắt chiu cần mẫn “cõng” tới từng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác với “sứ mệnh” giúp bà con làm kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Nỗ lực thoát nghèo

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch của NHCSXH tại xã Kim Phượng, huyện Tân Sơn. Ảnh: Trần Việt

Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất toàn tỉnh. Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội được ví như chiếc “phao cứu sinh” để giảm nghèo ở Tân Sơn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Chứng kiến ngôi nhà mới xây khang trang, sạch đẹp giữa những đồi núi xanh ngát, ông Phùng Văn Khoa, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn chia sẻ, do kinh tế khó khăn nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2016, thông qua ủy thác qua Hội Cựu Chiến binh xã, ông Khoa được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 40 triệu đồng vốn vay cho hộ nghèo.

Có vốn ông Khoa bắt tay vào phát triển chăn nuôi, trồng chè, trồng cây lâm nghiệp trên diện tích gần 2ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông Khoa phát triển mạnh đàn gia cầm, đàn lợn, về sau chuyển sang thâm canh chè chất lượng cao kết hợp với chế biến.

Hết chu kỳ vay hộ nghèo, ông Khoa tiếp tục được vay vốn cho hộ mới thoát nghèo, cộng với các khoản dành dụm tích cóp được, ông mở rộng diện tích chè lên gấp đôi, thay thế các diện tích chè cằn xấu, đưa năng suất chè búp tươi lên đạt trên 10 tấn/ha, đồng thời mua máy vò, máy sao về sản xuất chè xanh và làm dịch vụ sơ chế chè phục vụ nhân dân. Trừ chi phí mỗi năm ông Khoa có nguồn thu 120-150 triệu đồng. 

Ông Tăng Tiến Sỹ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn cho biết, 5 năm qua, huyện Tân Sơn đã có trên 16.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho gần 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ xây dựng được 250 căn nhà cho hộ nghèo; giúp trên 550 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề…

Chia tay ông Khoa, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hà Đức Hải, dân tộc Mường, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn. Ông Hải bộc bạch, trước năm 2013, gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Hải đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình với số tiền là 30 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm.

Sau 4 năm kiên trì với mô hình vườn ao chuồng, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để mở rộng chuồng trại, quy mô sản xuất. Đến nay, trang trại đã có 10 con lợn sinh sản, 70 con lợn thịt cùng trên dưới 500 gốc cam Vinh, bưởi da xanh, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

"Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách huyện, gia đình tôi khó gây dựng được kinh tế ổn định như bây giờ. Hiện tôi vừa vay thêm 30 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống bơm nước tự động cho khu vực chăn nuôi và vườn cam, bưởi, đảm bảo vệ sinh môi trường…", ông Hải chia sẻ!

Nhờ có nguồn vốn chính sách mà trong thời gian qua đã giúp 2.560 hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở huyện miền núi Thanh Sơn thoát nghèo, hơn 1.000 hộ có điều kiện phát triển kinh tế, xây nhà ở mới khang trang, vững chắc.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Sơn Nguyễn Ngọc Lâm, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

Đồng hành cùng dân nghèo vượt khó

Theo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ, đến nay tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Thọ đạt 4.724 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là hơn 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở thuộc tỉnh Phú Thọ đã “chung tay, góp sức” cùng Ngân hàng chính sách xã hội xây dựng, củng cố mạng lưới có độ che phủ khắp toàn tỉnh với 225 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 3.861 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở mọi thôn bản

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ Trương Việt Phương chia sẻ, đồng hành cùng người dân vùng khó khăn trên địa bàn thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nhất là hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giúp họ có cơ hội “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, có nhiều hộ gia đình được tiếp cận và vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, nhờ vậy người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả… góp phần đưa kinh tế hộ gia đình phát triển khá tốt.

Cũng từ hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt qua đó, sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn trên 4.710 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6,36%; số khách hàng còn dư nợ 115.000 người, bình quân dư nợ đạt trên 41 triệu đồng/khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép và thấp hơn bình quân chung toàn quốc, chiếm 0,12%/tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ.

Trong 16 chương trình tín dụng chính sách cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu ở các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh – sinh viên và hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…

Thời gian tới, phát huy kết quả đã đạt được, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, tập trung huy động mọi nguồn lực, kiên trì hoạt động theo phương châm “tất cả vì người nghèo” và “không để đồng bào dân tộc thiểu số thiếu vốn sản xuất”, mạnh dạn đổi mới phương thức đầu tư, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh…

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2021
Phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2021

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 945 QĐ-TTg phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN