Cơ sở kinh doanh chủ động thích ứng, người dân đồng tình xử lý vi phạm về nồng độ cồn

Những tháng gần đây, nhiều quán nhậu, cơ sở kinh doanh đồ uống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vắng khách, phải cho nhân viên tạm nghỉ, có nhà hàng đứng trước nguy cơ đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. Lý giải về điều này, nhiều người cho hay, thực khách thời gian qua tới các hàng quán ăn uống ít hơn vì e ngại sau khi sử dụng rượu bia, ra đường điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị ngành chức năng kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt nặng nếu vi phạm. Bên cạnh đó, sau ảnh hưởng COVID-19, người dân cũng thận trọng trong chi tiêu hơn. Điều tích cực là nhiều thực khách chia sẻ, sau thời gian dài không nhậu vì sợ vi phạm các quy định về nồng độ cồn, giờ đây họ không còn thích mùi rượu, bia như xưa, thậm chí còn "sợ" mùi các chất kích thích này nên tiện đó "cai" luôn cho khỏe...

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.

Dọc hai bên các con đường Nguyễn Tất Thành, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phan Châu Trinh... thuộc thành phố Vĩnh Yên có hàng chục quán ăn nhậu, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 các nhà hàng, quán nhậu này bắt đầu giảm lượng khách tới. Từ khoảng tháng 5, tháng 6/2023 trở lại đây lượng thực khách đến các quán ngày càng giảm mạnh.

Quản lý Nhà hàng Hương Quê, ở cận kề đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên cho hay: Vài tháng qua là thời gian cao điểm khó khăn. Bên cạnh việc lực lượng chức năng kiểm soát chặt về nồng độ cồn khiến người dân hạn chế uống bia rượu ở các hàng quán, thì vấn đề kinh tế khó khăn sau COVID-19 cũng khiến nhiều người làm công ăn lương, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp thận trọng trong chi tiêu, tiết kiệm hơn để tích lũy dự phòng khi phải nghỉ việc. Vì vậy, việc kinh doanh mặt hàng ăn uống, kèm bia rượu tại nhà hàng suy giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến quán chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Quản lý nhà hàng Hương Quê cũng hy vọng thời điểm khó khăn sẽ sớm qua vì nhà hàng đã có nhiều năm kinh doanh mặt hàng ăn uống, được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Đồng thời, nhà hàng cũng linh hoạt thay đổi giải pháp kinh doanh để chủ động thích ứng. Theo đó, nhà hàng khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương là các sản phẩm cây trồng, vật nuôi tại Vĩnh Phúc để giảm chi phí vận chuyển, mua bán thực phẩm không qua khâu trung gian nên giá thành giảm, phù hợp với túi tiền của đông đảo người dân. Gần đây, khách đến với Nhà hàng Hương Quê ăn uống chủ yếu là nhóm gia đình, nhóm bạn bè. Nhà hàng cũng chủ động liên hệ với các lái xe taxi để đưa đón nếu khách có yêu cầu.

Các Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên), Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện (Bình Xuyên)... là những nơi có đông công nhân lao động trẻ. Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng, ăn uống của nhóm khách này, nhiều người dân đã thuê hoặc mua nhà, mặt bằng để làm quán kinh doanh. Những năm trước, hầu hết các quán mở ra đều đông khách, phần lớn là công nhân tới ăn uống vào buổi chiều tối với các món lẩu đơn giản, các món nướng giá rẻ để khách ngồi "lai rai" với bạn bè. Từ khi lực lượng chức năng "siết chặt" quy định người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia và chất kích thích, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn giảm chỉ còn 30-40% so với trước. 

Chú thích ảnh

Để tiếp tục tồn tại, nhiều hàng quán ở gần các khu công nghiệp, khu có nhiều công nhân đã chuyển sang kinh doanh thêm món ăn, đồ uống nhẹ, các sản phẩm chế biến sẵn như chân và cánh gà nướng, khoai nướng, ngô nướng, hoa quả dầm sữa chua hoặc muối ớt, trà đá, nước ngô luộc... Những món ăn, thức uống này được nhiều người ưa thích, vì thế lượng khách cũng dần đông hơn. Ngoài ra, các quán còn giảm giá các mặt hàng, lắp đặt ti vi màn hình lớn để mọi người đến xem các chương trình thể thao, văn hóa..., chủ động kết nối với những người lái xe ôm, taxi để liên hệ việc đưa đón khách khi cần thiết. 

Anh Dương Văn Hướng (thôn Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) chia sẻ: Thời gian gần đây, những món ăn uống phong phú, đa dạng, chế biến ngon và giá cả hợp lý làm cho nhiều người ít sử dụng bia, rượu hơn, dần trở thành thói quen tích cực. Giờ đây, nhiều thực khách là lao động trẻ ở các khu công nghiệp không còn mặn mà với chuyện nhậu nhẹt như trước, đặc biệt không ít người đã cai rượu bia vì nhận ra nhậu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, lại tốn kém tiền bạc.

Anh N.H.N. công tác tại một đơn vị thuộc UBND huyện Tam Đảo cho hay: Sau một thời gian không sử dụng rượu, bia để tránh ngành chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, đồng thời thực hiện nghiêm quy định cấm cán bộ công chức, viên chức uống rượu, bia vào buổi trưa của tỉnh Vĩnh Phúc... nhiều người đã chấp hành tốt và ủng hộ các quy định này. Việc nhiệt tình mời rượu, đưa ra các lý do nhằm ép nhau uống rượu, bia như xưa cũng không còn. 

Anh Bùi Đức Hoàng, người dân kinh doanh cây cảnh phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, cho hay: Không chỉ có cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thực hiện hạn chế hoặc từ chối uống rượu, bia mà đông đảo người lao động làm nghề tự do, nhất là các lái xe taxi... cũng nói không với bia, rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để tránh bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn, vài tháng qua anh chỉ nhận đi ăn bình thường như dùng bữa hằng ngày cùng nhóm bạn và từ chối tất cả các cuộc mời uống rượu, bia. Từ ngày giảm nhậu cái bụng của anh nhỏ đi, người khỏe lên. Điều này được nhiều người trong gia đình, bạn bè, nhất là vợ anh đồng tình ủng hộ, vui sướng ra mặt. 

Khoa học đã chứng minh rượu, bia có cả mặt lợi và hại; bản thân các sản phẩm này không có lỗi, vấn đề là cần được sử dụng với mức độ hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ. Nhà nước cũng chỉ cấm các chất kích thích này với những trường hợp cụ thể được nêu rõ trong các quy định. Đông đảo người dân cho rằng, quy định người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia và chất kích thích đã góp phần hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc..., cần duy trì thực hiện.

Nguyễn Trọng Lịch
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN