Kỳ cuối: Xã hội số - Thay đổi thói quen, từng bước hình thành công dân số
Khắc phục những khó khăn về điều kiện của tỉnh, Phú Thọ đã và đang đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen, đồng thời tiếp cận, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống, từng bước hình thành công dân số.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”
Không còn phải đi đến từng hộ gia đình để thông báo mọi công việc của xã và khu dân cư, chuyển đổi số đã giúp ông Nguyễn Văn Lưu - Trưởng khu dân cư 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, dễ dàng thực hiện việc quản lý của mình. Mọi hoạt động từ việc giám sát camera, phát thông tin trên loa thông minh, truyền tải thông tin đến người dân… đều được ông thực hiện trên chiếc điện thoại.
Ông Lưu cho biết: "Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khu dân cư số 10 đã đăng ký và được UBND xã Sơn Vi lựa chọn là một trong 2 khu dân cư để xây dựng khu dân cư thông minh trong năm 2023. Với chúng tôi, đây như một cuộc “cách mạng”, bởi để vận hành được các thiết bị thông minh, tiếp cận được những tiện ích của công nghệ, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Sau đó, các đoàn thể trong khu cùng nhau đi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh”.
Không còn là “hô hào”, “khẩu hiệu”, chính quyền khu đã huy động 100% các hộ dân tham gia đóng góp trên 80 triệu đồng để lắp đặt đồng bộ hệ thống camera an ninh tại các điểm ra, vào khu dân cư; hệ thống điện chiếu sáng tại 100% các tuyến đường, ngõ, xóm sử dụng công nghệ điều khiển từ xa qua điện thoại; nhà văn hóa khu đã lắp đặt hệ thống wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin.
Toàn khu đã có trên 95% hộ dân lắp đặt và sử dụng internet băng thông rộng cáp quang; trên 93% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 86,4% người dân sử dụng tài khoản thanh toán điện tử trong giao dịch, mua sắm, thanh toán hóa đơn…
Ông Nguyễn Xuân Hồng - người dân trong khu chia sẻ: "Nếu như trước đây, tôi nghĩ điện thoại thông minh, wifi, mã QR... là điều chỉ có người trẻ mới sử dụng được thì nay những người có tuổi như chúng tôi đều đã có thể sử dụng thành thạo. Chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ công nghệ số. Mỗi người dân trong khu đều có thể truy cập vào hệ thống camera an ninh để thuận tiện quan sát tình hình an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Bản thân tôi thường xuyên sử dụng mã QR trong các giao dịch, thanh toán rất tiện lợi".
Công nghệ số phát triển ở nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ công cho đến mọi mặt của đời sống xã hội đã làm thay đổi cả về thói quen, hành vi của mỗi người dân. Ngày càng nhiều người tiếp cận, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ công việc, đời sống hằng ngày.
Nằm trên địa bàn huyện miền núi Tân Sơn, từ thực tế dạy học, nhận thấy trong học ngoại ngữ việc được giao tiếp với người nước ngoài rất quan trọng, cô giáo Lê Thị Anh Minh - giáo viên Trường Tiểu học Tân Phú đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kết hợp dạy và học thông qua các lớp học không biên giới, cộng đồng giáo dục.
Thông qua các ứng dụng như Skype, Zoom… cô đã kết nối với giáo viên các nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ… để học sinh của mình được tiếp xúc, giao tiếp.
Với sự đồng hành của cô giáo Anh Minh, thành tích môn tiếng Anh của Trường Tiểu học Tân Phú ngày càng được nâng lên. Nhiều học sinh được cô dìu dắt đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia.
Cô Anh Minh cho biết: "Nhằm giúp các em học sinh vừa nâng cao hiệu quả, chất lượng việc học tiếng Anh, vừa từng bước tiếp cận, ứng dụng với công nghệ thông tin trong việc học tập, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các phương pháp để truyền thụ kiến thức một cách phù hợp, tạo cho các em sự hứng thú trong học tập. Mỗi khi tổ chức kết nối giao lưu qua các nền tảng số, lãnh đạo nhà trường đều dự giờ để đánh giá hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Anh. Sau khi nhận thấy sự hiệu quả các hoạt động nhà trường lại cổ vũ, động viên các giáo viên có sự đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học".
Công dân số - Nền tảng hình thành xã hội số
Xác định muốn chuyển đổi số thành công cần phải có những công dân số. Hiện nay, toàn tỉnh đã cấp trên 1,2 triệu thẻ căn cước công dân, 928.453 tài khoản định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt 850.836 tài khoản.
Hạ tầng viễn thông được đầu tư, tạo môi trường để phát triển công dân số với 100% số xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phổ cập mạng thông tin di động 4G; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet đạt 76,26%.
Đây là những điều kiện cơ bản giúp người dân tiếp cận với chuyển đổi số, các ứng dụng từ công nghệ và có thể hoạt động nhiều lĩnh vực trên môi trường mạng.
Thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để mỗi người dân đều trở thành công dân số, từ năm 2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 28 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số với trên 17.800 lượt cán bộ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, tham gia sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Nhiều cơ quan, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng các mô hình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Thứ 5 - Ngày không hẹn”, thành lập các điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến... Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện các Chiến dịch ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng VneID và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh đã thành lập 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên tại 225/225 xã, phường, thị trấn.
Các ngành, lĩnh vực khác cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, thanh toán. Căn cước công dân gắn chíp cùng với tài khoản định danh điện tử công dân đã được dùng thay thế cho hàng loạt giấy tờ, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Thông qua công nghệ số, người dân đã tiếp cận nhanh với hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến…, từng bước hình thành xã hội số.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ: Vấn đề khó khăn trong phát triển xã hội số nói chung, công dân số nói riêng là hiện nay các hệ thống thông tin, nền tảng số còn thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành với địa phương gây khó khăn trong quá trình sử dụng; kỹ năng số của người dân còn hạn chế, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
“Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng số. Tranh thủ các nguồn lực, ưu tiên việc phủ sóng điện thoại, internet đến vùng sâu, vùng xa, xóa “vùng lõm” trên địa bàn tỉnh. Kết nối liên thông, đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đồng thời, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số cho người dân, đảm bảo mỗi người dân đều có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia các hoạt động trên môi trường số an toàn, từ đó góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số tại địa phương” - ông Lê Quang Thắng khẳng định.