Chuyển đổi số tại Phú Thọ: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá- Kỳ 2

“Kinh tế số đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức và cách làm của chúng tôi. Từ tiêu thụ truyền thống, bán hàng trực tiếp hoặc qua hệ thống đại lý, giờ đây sản phẩm của tôi có thể tiêu thụ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; thị trường từ bó hẹp trong địa bàn huyện, địa bàn tỉnh, giờ mở rộng ra khắp các địa phương trong cả nước” -  Đó là chia sẻ của anh Hà Quang Chung ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê - một trong rất nhiều người “nông dân 4.0” của Phú Thọ nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Anh Hà Quang Chung vận hành hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh

Kỳ 2: Kinh tế số: Nắm bắt cơ hội, tiến bước vững chắc

Đổi tư duy, thay mô hình

Tại trang trại của anh Chung, không còn bóng người nông dân cầm vòi nước tưới từng gốc cây nữa. Hơn 1.000m2 trồng dưa chuột Nhật Bản đã được đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công.

Ðể tạo niềm tin với người tiêu dùng, anh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thông qua đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Hợp tác xã (HTX) Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, luôn trăn trở tìm cách đưa sản phẩm chè OCOP của Phú Thọ đến với bạn bè gần xa. Từ hai năm nay, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Cùng với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè hữu cơ của HTX, để bắt kịp với xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm lên sàn nongsan.phutho.gov.vn; có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có Fanpage trên mạng xã hội, nhờ đó, lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ ngày càng tăng”.

Đến nay, tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ ba sao trở lên được đưa lên các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn;…) và trang thông tin điện tử nongsan.phutho. gov.vn. Trong đó, riêng sàn giaothuong.net.vn đã có 302 gian với 945 sản phẩm dịch vụ của các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, lượt truy cập 5,5 triệu lượt.

Sàn thương mại điện tử Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel hiện có hơn 60.000 nhà cung cấp với khoảng 200.000 sản phẩm, trong đó có hàng trăm gian hàng với hàng nghìn sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Phú Thọ…

Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử khác như Tiki, Sendo, Lazada… và trên các trang mạng xã hội.

Cùng chuyển động với các doanh nghiệp trong nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cũng không ngừng “thay tư duy, đổi cách làm”. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của đơn vị, tháng 9/2022, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ CTH đã quyết định xây dựng bộ quy trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp với giải pháp phần mềm phục vụ quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Hệ thống sản xuất hiện đại tại Công ty cổ phần Gốm sứ CTH

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Cùng với đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ số theo tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, Công ty chúng tôi đã triển khai xây dựng hệ thống ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp) nhằm quản trị các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, giảm sai sót và tăng năng suất lao động.

Công ty đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để triển khai trước giai đoạn 1 gồm các phân hệ: Sản phẩm, kho, bán hàng, phân phối, nghiên cứu và phát triển, quản lý chất lượng, nhân sự/KPI.
Hệ thống có nhiều ưu điểm nổi bật như: Toàn bộ dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động nên tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Thông tin kịp thời, minh bạch; chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí trong công ty được xác định rõ ràng, cụ thể. Công ty có thể kiểm soát được tức thời dòng chảy của thông tin, công việc và đo lường được hiệu quả công việc của từng phòng ban, từng cá nhân.

Các luồng thông tin được sắp xếp khoa học, minh bạch giúp lãnh đạo Công ty có thể nhìn thấy được bức tranh kinh doanh tổng thể để đưa ra chiến lược phát triển và sự đổi mới kịp thời trong quản lý. Đây là cơ sở giúp Công ty tạo nhiều giá trị cho khách hàng; đồng thời đón đầu xu hướng, thị hiếu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế để mang lại bước đột phá cho doanh nghiệp".

Bức tranh kinh tế số ngày càng sôi động hơn khi các doanh nghiệp dịch vụ cũng bắt nhịp chuyển đổi số. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả như: Hệ thống điều hành du lịch, phần mềm quản lý cơ sở lưu trú, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống đặt dịch vụ du lịch, thanh toán trực tuyến, gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử… 

Tiến từng bước bài bản, chắc chắn

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Phú Thọ ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực gồm: du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp… 

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, bán qua Livestream trên nền tảng Tiktok tại c hương trình “Chợ phiên OCOP - Về miền Đất Tổ”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp chuyển đổi số nâng cao hoạt động kinh doanh với 50 doanh nghiệp đại diện cho các nhóm, loại hình khác nhau đã được lựa chọn để thí điểm các nền tảng công nghệ.

Năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt hơn 6,8 tỉ USD. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, trên 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Phát triển Y học Việt sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch

Mới đây, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 20%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Kế hoạch cho thấy quyết tâm rất lớn của Phú Thọ trong việc phát triển kinh tế số một cách bài bản. Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các nhóm giải pháp: Tuyên truyền về kinh tế số; phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số; xây dựng và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới, mô hình mẫu về chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của tỉnh; thúc đẩy các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp hạt nhân đầu tư nghiên cứu, xây dựng các nền tảng số chuyên ngành, hỗ trợ chuyển giao cho các đối tác cùng ứng dụng, kết nối, chia sẻ, dẫn dắt chuyển đổi số chuỗi cung ứng, đưa chuỗi ngành nghề lên tầm cao mới; phối hợp đa ngành giữa doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp nền tảng, doanh nghiệp công nghệ tài chính để thiết lập nền tảng chuyển đổi số, kiến tạo hệ sinh thái mới.

Dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Phú Thọ quyết tâm triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, bắt kịp xu thế chung của cả nước.

 Kỳ cuối: Xã hội số - Thay đổi thói quen, từng bước hình thành công dân số

Hương Giang - Khánh Trang - Lệ Thủy
Chuyển đổi số tại Phú Thọ: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá - Kỳ I
Chuyển đổi số tại Phú Thọ: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá - Kỳ I

Không còn là một khái niệm “trừu tượng và xa vời”, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành “hiện thực sống động và gần gũi” trong xã hội hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN