Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số xanh cấp tỉnh 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Quảng Ninh giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt 71,25 điểm (giảm 1,70 điểm so với năm 2022). Với kết quả trên, tỉnh duy trì 7 năm liên tiếp xếp thứ 1/63 và 11 năm liên tiếp trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tỉnh có 9 năm tăng trưởng GRDP trên 2 con số, phấn đấu năm 2024 sẽ là năm thứ 10. Quy mô nền kinh tế năm 2023 trên 300.000 tỷ đồng, gấp 1,51 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, cao nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tạo ra bước đột phá thu hút các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Riêng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tính đến nay đã bằng 3,6 lần so với cả nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, để giữ vững thứ hạng cao đối với các chỉ số trên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải thực sự vô tư trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thử thách, đổi mới sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương phải đoàn kết, thống nhất; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để đem lại sự phục vụ tốt hơn; đội ngũ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) chia sẻ, Quảng Ninh giữ được các chỉ số cải cách hành chính ở thứ bậc cao là nhờ tỉnh thực hiện cải cách hành chính thường xuyên, liên tục, toàn diện, hiệu quả và sáng tạo. Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu điểm tổng chỉ số PCI cải thiện từ 71.25 lên 74.05 điểm, tăng 2.80 điểm; tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PGI qua từng năm. Cụ thể, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2023.
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong sạch vững mạnh, kiến tạo, hành động, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch.
Tỉnh xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, luôn đề cao và thực hành văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, là bổn phận, trách nhiệm, được dẫn dắt, định hướng, định hình và lan tỏa bởi sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa”, nói đi đôi với làm.
Quảng Ninh quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo điều hành và tham mưu, phối hợp triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo gắn chất lượng, hiệu quả với công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, cạnh tranh làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững...