Như vậy, tính từ ngày 26/6 đến 6 giờ ngày 8/7, toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 146 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 984/QĐ-UBND áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với các huyện: Lý Sơn, Ba Tơ, Tư Nghĩa, Bình Sơn, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi từ 0 giờ ngày 8/7.
Các địa phương còn lại như Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Mộ Đức áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ cao” trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Người dân ở các địa phương trên chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết; dừng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu. Không tập trung trên 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Lái xe vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu vào địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu. Phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa, nguyên vật liệu tuyến đường dài được phép đi qua nhưng không được dừng, đón trả khách và giao, nhận hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Người trở về từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các địa phương có dịch vào địa bàn Quảng Ngãi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu, phải cách ly tập trung 21 ngày và tự trả phí...
* Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ chiều 7/7 đến 7 giờ ngày 8/7, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại thành phố Nha Trang, nâng tổng số người dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng của toàn tỉnh lên 104 trường hợp.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đưa ra chủ trương tăng cường biện pháp, kế hoạch tầm soát, giám sát cộng đồng diện rộng bằng test nhanh kháng nguyên để kịp thời phát hiện các ca mắc, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, bao gồm thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang. Trước mắt, Khánh Hòa tập trung vào các khu vực, địa bàn có ca bệnh, lực lượng lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao Sở Y tế đặt mua 10.000 bộ test kit để triển khai việc xét nghiệm nhanh, sàng lọc các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiên cứu, tính toán nhu cầu test nhanh kháng nguyên, khả năng triển khai lực lượng thực hiện để có phương án chủ động.
Ngành Y tế Khánh Hòa lập tổ triển khai test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát tại Ga Nha Trang cho các trường hợp đến, về Khánh Hòa từ các tỉnh, thành phố có dịch nhưng không xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính. Chi phí thực hiện test nhanh do tổ chức, cá nhân tự chi trả.
Đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, năng lực xét nghiệm RT-PCR của ngành Y tế tỉnh hiện nay đạt khoảng 5.000 mẫu/ngày, trong thời gian tới dựa vào sự hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang có thể đạt tối đa 10.000 mẫu/ngày. Ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, sắp tới Bệnh viện Quân y 87 (đóng trên địa bàn thành phố Nha Trang) sẽ triển khai dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
* Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và các đối tượng ngoài phạm vi ngân sách nhà nước chi trả được yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2, UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất chủ trương cho phép các cơ sở y tế công lập tạm thu giá dịch vụ xét nghiệm khi áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 19/02/2021 của Chính phủ.
Theo đó, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh có năng lực sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những trường hợp trên. Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, mức thu sẽ là 734.000 đồng/mẫu. Trong đó, trường hợp mẫu đơn: Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm tối đa là 117.800 đồng/mẫu; mức giá thực hiện xét nghiệm tối đa là 616.200 đồng/mẫu. Trường hợp gộp mẫu: Mức giá lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu; mức giá thực hiện xét nghiệm với mẫu gộp là 634.000 đồng (chia cho số mẫu gộp). Trường hợp mẫu gộp phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên, mức thu sẽ là 238.000 đồng/mẫu. Người được xét nghiệm sẽ thanh toán theo phương pháp thực thu, thực chi, nhưng không vượt giá thu 238.000 đồng/mẫu, bao gồm chi phí mua test nhanh kháng nguyên và vật tư, chi phí lấy mẫu, xét nghiệm bệnh phẩm.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận, đây là mức giá dịch vụ đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 và là mức giá thu thực hiện tạm thời đến khi Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất ban hành mức giá mới cho từng loại dịch vụ xét nghiệm.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cơ sở lấy mẫu, xét nghiệm thực hiện quản lý, theo dõi, hạch toán thu, chi dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, thực hiện thanh quyết toán và lập báo cáo quyết toán theo đúng quy định của Luật ngân sách, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đồng thời kịp thời tham mưu, điều chỉnh mức giá cho từng loại dịch vụ xét nghiệm sau khi Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất ban hành mức giá mới.