Theo đó, huyện Hòa Vang sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh tại chợ Lệ Trạch từ 7 giờ ngày 13/7. Tổ Quản lý chợ Lệ Trạch thông báo khẩn cho tất cả hộ tiểu thương tại chợ (kinh doanh buổi sáng và chiều) đúng 9 giờ ngày 13/7 đến nhà họp thôn Lệ Sơn Bắc (huyện Hòa Vang) để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 12/7, quận Hải Châu cũng đã có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu vực trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây, cụ thể đoạn từ K27/1 đến K27/29 và K27/2 tới K27/26 đường Nguyễn Thành Hãn thuộc tổ dân phố 26, phường Hòa Thuận Tây. Việc thiết lập vùng cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Ngoài các khu vực này, Đà Nẵng đã thực hiện khoanh vùng, phong tỏa những địa điểm có nguy cơ cao mà trường hợp mắc COVID-19 làm việc, sinh sống và từng đi đến trong lịch trình.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, tối 12/7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, các quận, huyện cần chủ động trong việc thiết lập phong tỏa, khoanh vùng, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm đối với những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
* Ngày 12/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 4425/UBND-DL1 về việc tăng cường giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ 12 giờ ngày 13/7, người về Quảng Ninh, người Quảng Ninh ra khỏi tỉnh khi quay về cần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đó, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR có kết quả âm tính tới đủ 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu; xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính từ đủ 24 giờ kể từ giờ lấy mẫu.
Quảng Ninh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện tốt yêu cầu này.
Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm truyền thông tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, thực hiện.
Tại các trạm, chốt phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh yêu cầu phân luồng riêng cho xe hàng hóa, xe chở người đi bệnh viện, xe cấp cứu; tạo mọi ưu tiên nhanh chóng nhất thực hiện khai báo y tế và thủ tục hành chính để hàng hóa tiếp tục được lưu thông thông suốt trên khắp địa bàn và tới các địa phương trong toàn quốc.
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục thực hiện tốt quản lý tình hình dân cư, chỉ đạo các Tổ an toàn COVID cộng đồng rà soát, nắm chắc nhân khẩu của mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, thôn xóm, làng bản, đảm bảo không để bị động, không để tình huống có ca nhiễm, ca nghi nhiễm, người về từ vùng có dịch mà không được khai báo y tế, không được giám sát để hướng dẫn kịp thời giải pháp phòng, chống dịch chặt chẽ nhất tại cộng đồng...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ca F0 tại cộng đồng di chuyển từ các vùng có dịch về mà không được phát hiện, không được kiểm soát để hướng dẫn nhân dân thực hiện giải pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, từ ngày 28/6 đến nay đã qua 14 ngày không phát hiện ca mắc trong cộng đồng mới trên địa bàn tỉnh. Tính từ 1/7 đến 12 giờ ngày 11/7, toàn tỉnh giám sát được 58 trường hợp từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương. Toàn bộ các trường hợp này đã được cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.
* Trước tình hình có nhiều ca nhiễm tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành văn bản 3584/UBND-KT ngày 12/7/2021 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ nay đến ngày 22/7/2021, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 1 lần cho cán bộ, chuyên gia, công nhân… (theo danh sách đã đăng ký với Ban Quản lý các Khu công nghiệp).
Về vấn đề sinh phẩm, vật tư tiêu hao, chủ các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tự trang bị, trường hợp cần thiết thì liên hệ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và giới thiệu nguồn cung cấp. Đối với việc tổ chức, lựa chọn đơn vị xét nghiệm, Sở Y tế được giao nhiệm vụ hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, xây dựng ngay phương án bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho công nhân lao động tại cơ sở theo phương châm "3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) và báo cáo, trình Ban Quản lý các Khu công nghiệp thẩm định, nếu đáp ứng yêu cầu thì được phép hoạt động. Từ 0 giờ ngày 18/7/2011, doanh nghiệp nào không có phương án đảm bảo phương châm “3 tại chỗ" thì phải thực hiện giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân viên, lao động của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khi kết quả xét nghiệm COVID-19 có ghi nhận trường hợp F0 thì tạm ngưng hoạt động để tập trung thực hiện công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với khoảng 103.392 công nhân lao động, trong đó có 1.231 người nước ngoài. Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại một vài doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Do đó, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.