Đột phá từ giải pháp
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Hòa Bình đã xác định rõ và đề ra các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là làm tốt công tác dự báo và xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và những cơ hội, chủ trương lớn của Trung ương đang tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.
Tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) triển khai lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, đã hoàn thành giai đoạn 3 của công tác lập quy hoạch tỉnh với sản phẩm là Báo cáo quy hoạch tỉnh Hòa Bình (dự thảo lần 2), hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch tỉnh và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định.
Dự kiến, việc lập quy hoạch của tỉnh sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, phân bổ nguồn lực của tỉnh.
Thứ hai là tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức. Tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ngoài ra, tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh phấn đấu trong 5 năm, thu hút các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn FDI, đây là nguồn lực quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra.
Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, chú trọng phát triển các nghề truyền thống để giải quyết việc làm, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành lĩnh vực quan trọng của tỉnh.
Và cuối cùng là xác định phát triển kết cấu hạ tầng, theo đó tiếp tục cơ cấu lại vốn đầu tư công để thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tập trung cho các dự án trọng điểm như hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo ra sức lan tỏa lớn như đường liên kết vùng Hòa Bình-Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu), đường kết nối thị trấn Lương Sơn-Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), đường Quang Tiến-Thịnh Minh, TP. Hòa Bình (giai đoạn 1),…
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành một số dự án như đường Hang Kia-Cun Pheo-QL 6, đường tỉnh 433 đoạn Km0-Km23, đường tỉnh 435, đường tỉnh 438, 438B, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn-Tân Lạc...
Tỉnh Hòa Bình cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án như: Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ km 19-km 53),… và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, trong đó chú trọng du lịch lòng hồ sông Đà, Bản Lác-Mai Châu, suối Khoáng-Kim Bôi, kết nối tour tuyến với Tam Chúc - Hà Nam, Tràng An - Ninh Bình và Mộc Châu - Sơn La…
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng động lực
Vùng động lực của tỉnh Hòa Bình gồm thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, phía bắc Lạc Thủy (theo Nghị quyết số 35/2012/NQ-HĐND ngày 10/7/2012) là vùng đô thị - công nghiệp, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ làm đầu tầu kéo các vùng lân cận.
Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để vùng động lực có bước đệm vững chắc và tăng tốc nhanh, kéo kinh tế các vùng lân cận đi lên.
Thời gian qua, bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh còn huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng động lực.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng trong 5 năm 2018 - 2022 ước đạt 60.095 tỷ đồng, so với toàn tỉnh tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng bằng khoảng 69%, trong đó vốn đầu tư của khu vực nhà nước bằng khoảng 44,5%, vốn đầu tư của doanh nghiệp bằng khoảng 79,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng khoảng 99%. Quá trình phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã thực hiện quan điểm là ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng động lực, tỷ lệ vốn đầu tư của doanh nghiệp dân doanh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng chiếm tỷ rất lớn so với toàn tỉnh, qua đó hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng từng bước được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh nói chung và vị trí, vai trò của vùng động lực nói riêng.
Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư cải tạo nâng cấp như đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT, đường tỉnh 435, 445, 438B, đường nối từ Quốc lộ 6 đến đường Chi Lăng thành phố Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2, cầu Trắng, thành phố Hòa Bình....
Thực hiện chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện đối với một số dự án công trình giao thông trọng điểm như Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối QL 6; Đầu tư, xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Đoạn từ Km19 đến Km53, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) bằng nguồn đầu tư công có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn-Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); Đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình (giai đoạn 1);...
Ngoài ra nhiều tuyến đường thuộc các huyện như đường từ ngã ba Đông Dương, thị trấn Lương Sơn đi xã Cư Yên, đường nội thị thị trấn Lương Sơn, Đường tránh Thanh nông - Thanh Hà đi đường Hồ chí Minh, đường Hoàng Hoa Thám, đường Lý Thường Kiệt, đường Lê Thánh Tông, đường QH7, QH8, thành phố Hòa Bình... và giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư, nâng cấp.
Tiếp tục chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện chất lượng giao thông. Đến nay, trên địa bàn vùng động lực có 2.555,88 km đường bộ, trong đó thành phố Hòa Bình có 742,65 Km; huyện Lương Sơn có 832,76 Km và huyện Lạc Thủy có 980,47 Km. Trên địa bàn vùng có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa, trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Đà dài 103 km; tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Bôi dài 19 km.
Hạ tầng cung cấp điện hàng năm đều được đầu tư nâng cấp. Đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn vùng động lực có 2.186,91 Km đường dây cao, trung và hạ áp và 1.154 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.806,782 MVA. Hệ thống lưới điện quốc gia đã cấp điện cho 100% số xã, phường, thị trấn trong vùng; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia năm 2022 ước đạt 100%.
Tỉnh đã thực hiện nâng cấp và sửa chữa nhiều công trình đầu mối, kiên cố hoá kênh mương, góp phần quan trọng cho việc tưới tiêu. Đến nay, vùng động lực 847,1 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hóa được 541,5 km, đạt 63,92%, cao hơn 13,92% so với trung bình của tỉnh; có 325 công trình và hệ thống công trình thủy lợi, tăng 49 công trình so với năm 2017, các công trình được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố từ nhiều nguồn vốn, đã và đang hoạt động phục vụ sản xuất. Đã triển khai xây dựng một số hồ, đập có dung tích lớn như hồ Ngành, hồ Tiên Hội, đập Đăng Phú, huyện Lương Sơn,... vừa phục vụ tưới tiêu vừa cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Hàng năm tỉnh cũng đã chủ động bố trí vốn tu bổ, nâng cấp, mở rộng các công trình đê điều trọng yếu trong vùng, có nguy cơ tiềm ẩn nên đã hạn chế được thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tổng số công trình hạ tầng cung cấp nước hợp vệ sinh cho dân nông thôn tại vùng động lực là 52 công trình. Đến hết năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện Lạc Thủy là 97,3%, huyện Lương Sơn là 99,3% và thành phố Hòa Bình là 96,6%. Đối với hạ tầng cung cấp nước sạch cho dân đô thị, từ năm 2016, nhà máy nước Vinaconex đã triển khai đầu tư nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm, lên 600.000 m3/ngày đêm; Công ty cổ phần nước sạch Hòa Bình có mạng lưới đường ống dài 98 km với 15 trạm cung cấp nước sạch, tổng công suất 36.660m3/ngày đêm, đang đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho các xã thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình và thị trấn huyện Lương Sơn. Ngoài ra Đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Lương Sơn bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc với công suất 5.000 m3/ngày đêm đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của thị trấn Lương Sơn và các xã vùng trung tâm huyện.
Hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư hoàn chỉnh; hạ tầng viễn thông phát triển nhanh. Mạng truyền dẫn đến các địa phương trong vùng đã được cáp quang hóa, trong đó 100% các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn có mạng cáp quang. Tỷ lệ số xã, thị trấn có trạm thông tin di động BTS đạt 100%; 100% xã, thị trấn có dịch vụ điện thoại; 100% số xã thu được sóng phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng chống biến đổi khí hậu, xây dựng nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí cấp thị xã; đầu tư hạ tầng đô thị để nâng cấp thành phố Hoà Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2025.