Bình Thuận triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Sáng 7/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Chú thích ảnh
Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. 

Tỉnh Bình Thuận xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Bình Thuận đề ra mục tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7%; thu ngân sách nhà nước đạt 9.488 tỷ đồng... 

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Theo đó, tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, coi kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân là điều kiện tiên quyết để phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế; từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến, độ bao phủ vaccine và khả năng điều trị COVID-19.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng...; tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, giảm bớt, loại bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ duy trì ít nhất mỗi tháng 1 lần làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng phải dành 1 tháng ít nhất 1 buổi để làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các sở, ngành chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm như: giải quyết dứt điểm về nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn đi qua địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện trục đường ven biển ĐT 719, ĐT.719B, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành…, Dự án hồ chứa nước Ka Pét, hồ Sông Lũy giai đoạn 2, hồ La Ngà 3, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá huyện đảo Phú Quý (giai đoạn 2)…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý việc triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo Tết Nguyên đán năm sắp tới; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tập trung chỉ đạo giải quyết các nội dung tồn đọng, kéo dài và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để công việc chậm trễ, kéo dài.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Cần sớm làm rõ sai phạm trong vụ việc 'Tịnh thất Bồng Lai'
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Cần sớm làm rõ sai phạm trong vụ việc 'Tịnh thất Bồng Lai'

Bên hành lang Quốc hội sáng 7/1, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV đã chia sẻ, mong muốn cơ quan pháp luật sớm làm rõ những sai phạm trong vụ việc "Tịnh thất Bồng Lai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN